Thúc đẩy tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số

15:37, 21/03/2017

Sáng 21-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Quỹ Citi và Quỹ vì hợp tác phát triển tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á - Thái Bình Dương 2017. Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện các ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là năm thứ 2 hội nghị được tổ chức. Với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số”, hội nghị nhằm chỉ ra những cơ hội và thách thức của thể chế tài chính toàn diện trong tương lai, trình bày những công nghệ cũng như sáng tạo mới nhất trong sản phẩm và dịch vụ tài chính cho những người chưa được hưởng thụ hoặc chưa được tiếp cận toàn diện với dịch vụ ngân hàng, tài chính.

 

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá, những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực; ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện làm thay đổi hình thức và tính chất thị trường, định hình ra xu hướng phát triển mới của tài chính toàn diện trong tương lai. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tài chính toàn diện, là cơ hội tốt để Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong việc tổ chức triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 52% lực lượng lao động toàn xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là thông qua tài chính toàn diện. Do vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn với các dịch vụ tài chính, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. 

 

Trong quá trình xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đối với các đối tượng: phụ nữ, nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ… khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng này...

 

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai hỗ trợ các đối tượng này để huy động tối đa nguồn lực của nền kinh tế, thúc đẩy nền tài chính toàn diện phát triển. Theo nhiều chuyên gia tại hội nghị, hiện vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng và hơn nửa trong số đó thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện không chỉ cung cấp dịch vụ truyền thống mà còn là những dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán qua di động và nhà quản lý tiền điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dân./.