Cát Nê là xã vùng sâu của huyện Đại Từ, điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi đồng ruộng không bằng phẳng, thời tiết mưa nhiều… Dường như ý thức được những khó khăn đó, nên người dân ở đây luôn tích cực tìm tòi, đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất thay cho tập quán độc canh cây lúa trước đây.
Cát Nê nằm dựa lưng vào dãynúi Tam Đảo với diện tích trên 2.600ha, trong đó trên 200ha đất sản xuất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là đồi, rừng. Xã bao gồm 16 xóm, 1.180 hộ, trên 4.000 nhân khẩu. Cũng bởi những khó khăn về sản xuất nông nghiệp, nên năng suất lúa của xã luôn thấp hơn bình quân trung của huyện, đạt khoảng 53 tạ/ha. Nhận định đầu tư vào cây lúa không phải là cách để có thể nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nên chính quyền địa phương luôn trăn trở để tìm cách chuyển đổi cây trồng.
Năm 2013, xã đã triển khai mô hình trồng dưa chuột Anaxo với diện tích gần 5ha. Để đảm bảo đầu ra cho bà con, đồng thời hỗ trợ bà con về kinh phí, kỹ thuật, xã đã ký hợp đồng với Công ty CP Đồng Xanh. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau vụ đầu tiên, mô hình đã khẳng định được hiệu quả tốt, năng suất dưa đạt trên 1 tấn/sào, sau khi trừ các khoản chi phí người dân thu lãi 4 - 5 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với cây màu khác. Ông Ngô Xuân Hán, xóm Trung Nhang cho biết: Gia đình tôi trồng 2 sào dưa Anaxo, mỗi vụ thu trên 2 tấn quả. Một năm tôi trồng 2 vụ dưa xen với 1 vụ lúa, thu được gần 30 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình trồng dưa Anaxo, người dân Cát Nê đã mở rộng diện tích ra các vụ sau, theo công thức luân canh dưa chuột vụ xuân - lúa mùa - dưa vụ đông hoặc lúa xuân - lúa mùa - dưa vụ đông. Tổng diện tích trên 20ha với 384 hộ dân tại 13 xóm tham gia trồng. Theo đánh giá của bà con xã Cát Nê, giống dưa chuột Anaxo có nguồn gốc từ Hà Lan rất phù hợp với đồng đất địa phương, dễ chăm sóc, cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao, một vụ dưa cho thu nhập cao hơn 3 – 4 lần so với cấy lúa.
Ngoài dưa chuột, bà con xã Cát Nê còn mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác. Với suy nghĩ, trồng lúa không cho năng suất cao, không hẳn các loại cây trồng khác đều đạt thấp, quan trọng nhất là phải lựa chọn được cây trồng phù hợp, thêm vào đó là sự tính toán hợp lý để hiệu quả sử dụng đất đạt cao nhất, không để diện tích đất nào trống. Từ đó, đối với các giống cây ngắn ngày, bà con đưa xuống ruộng trồng xen canh cây lúa, còn các giống cây dài ngày hơn thì người dân ở đây lại lựa chọn những diện tích cấy lúa kém hiệu quả hoặc đất vườn tạp, đồi…
Hiện nay, xã đã trồng 5ha dưa nhật, 5ha chanh đào, 6ha cam Cao Phong, 5ha ớt… Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, người dân Cát Nê đã tập trung mạnh vào cây cam Canh và bưởi Diễn. Đồng chí Đỗ Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Chúng tôi đã đi học tập nhiều mô hình và nhận thấy cam Canh, bưởi Diễn rất phù hợp với đất này, hơn nữa đây là cây trồng mang lại thu nhập cao, thị trường tiêu thụ lại rộng mở nên đã về quy hoạch vùng trồng Cam canh, bưởi Diễn tại 3 xóm: Tân Phú, Nương Dâu và Trung Nhang. Đây là những nơi có nhiều diện tích vườn, đồi thấp và ruộng cao. Đến nay, người dân đã trồng được khoảng 15ha, nhiều diện tích đã cho thu hoạch.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Ánh, xóm La Vĩnh, đồng chí Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Đây là hộ trồng cam nhiều nhất xã gồm 6ha cam Cao Phong và 2ha cam Canh. Toàn bộ diện tích cam Cao Phong được anh Ánh trồng trên núi, dọc chân dãy núi Tam Đảo đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Còn số cam Canh, anh lại trồng tại vùng đồi thấp và ruộng cạn, đến nay cũng đã thu hoạch được 1 vụ. Còn lại một số diện tích mới trồng dự kiến cuối năm nay cũng bắt đầu cho quả.
Anh Ánh trước trồng nấm, nhưng do thị trường thời gian gần đây gặp khó khăn nên anh chuyển sang trồng cam. Mặc dù mới trồng, nhưng anh khá tự tin về mô hình này. Anh cho biết: Cách làm của tôi là chỉ bỏ vốn, đất, còn lại kỹ thuật tôi thuê trọn gói chuyên gia đến trồng, chăm sóc. Mặc dù đầu tư ban đầu có hơi cao, nhưng lại không rủi ro. Bởi nếu cây chết, sẽ được chuyên gia trồng lại mà không phải tốn thêm chi phí, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây đều được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên cây phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả to, ngọt. Vụ đầu thu hoạch, tôi đã thu được 9 tấn quả, bán được khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng. Năm nay là vụ thứ hai, hy vọng năng suất sẽ đạt cao hơn nữa.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nên bộ mặt nông thôn ở Cát Nê đã có nhiều đổi mới. Giờ đây về Cát Nê, trên khắp đồi trên, bãi dưới, các cánh đồng: Tân Phú, Đồng Nghè, Trung Nhang… không chỉ có cây lúa, cây ngô, mà mùa nào thức nấy, đầy đủ các loại rau củ, trái cây phong phú với mầu đỏ của ớt, mầu vàng của cam, màu xanh của dưa… Nhờ đó, đời sống của bà con Cát Nê trong những năm gần đây đã được nâng lên đáng kể. Hiện xã còn 153 hộ nghèo, giảm trên 50 hộ so với năm 2016, số hộ cận nghèo cũng giảm từ 115 hộ xuống còn 104 hộ.