Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều

08:43, 12/04/2017

Trước mùa mưa bão năm 2017, cùng với việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê, ngành Nông nghiệp - PTNT cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tuân thủ Luật Đê điều nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Thời điểm này, công trình kè chống sạt lở đê Sông Công (T.X Phổ Yên) đoạn từ K3+300 đến K3+700 và từ K6+700 đến K6+820 đã cơ bản được hoàn thiện theo đúng thiết kế phê duyệt. Hiện, đơn vị thi công đang khẩn trương vệ sinh, dọn dẹp vật liệu còn lại tại công trường và sửa sang, hoàn thiện nốt các hạng mục phụ trợ  để bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Trên địa bàn thị xã có hơn 31km đê, bao gồm đê Sông Công, đê Chã, đê kè Đô Tân - Vạn Phái. Hệ thống công trình trên đê gồm có 15 tuyến kè và 13 cống tiêu nước. Để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống để nắm được hiện trạng, từ đó có phương án xử lý. Đồng thời, tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm theo thẩm quyền đối với những vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Đối với một số công trình đê, kè đang được triển khai, thị xã đã quan tâm giám sát, đôn đốc và tạo mọi điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.

 

Không chỉ tại T.X Phổ Yên, các địa phương khác trong tỉnh có hệ thống đê cũng đã tập trung kiểm tra, xác định các vị trí xung yếu để xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật tư phục vụ công tác phòng, chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng chúng tôi đi khảo sát thực tế trên tuyến đê Hà Châu (Phú Bình), anh Nguyễn Văn Quảng, cán bộ điều hành Hạt Quản lý đê Hà Châu cho biết: Chúng tôi đã tổ chức đi kiểm tra và xác định 2 điểm xung yếu từ K3+600 đến K3+700 và tại điểm K5. Hạt đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như: 1.200 khối đá hộc, 5.000m2 bạt chắn sóng, 50 chiếc xe rùa, 25.000 chiếc bao tải và nhiều cuốc, xẻng, phao cứu sinh để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

 

Cùng với công tác tu bổ, bảo dưỡng đê điều, thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương còn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Pháp lệnh bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi. Ông Nguyễn Văn Viên, một hộ dân ở xóm Mới, xã Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Sống ở gần khu vực đê Hà Châu, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở con, cháu tuyệt đối không được xâm phạm hành lang đê để đổ vật liệu xây dựng hay kinh doanh buôn bán. Bởi những việc làm này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê mà còn gây cản trở giao thông trong quá trình ứng cứu khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa bão.

 

Được biết, toàn tỉnh hiện có 48,2km đê, trong đó bao gồm các tuyến: đê Chã, sông Công, Hà Châu (thuộc huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên) dài hơn 34km, thuộc đê cấp III; đê Hữu Cầu, đê Gang Thép (thuộc T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình) và đê kè Đô Tân - Vạn Phái (T.X Phổ Yên) dài hơn 13,7km, thuộc đê cấp IV. Hiện nay, các Hạt quản lý đê đều đã xây dựng phương án hộ đê trọng điểm, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đội ngũ thủ kè, thủ cống trên địa bàn cũng được tập huấn kỹ thuật hộ đê, hồ đập nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lụt bão.  

 

Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều trên các tuyến đê, xử lý các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ. Trong những ngày mưa bão, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tuần tra, canh gác ở các tuyến đê để phát hiện và xử lý đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống đuợc kịp thời ngay từ giờ đầu; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố. Đồng thời, chú trọng công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng đối phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, nhất là các vị trí trọng điểm, các vị trí xa nơi dân cư, điều kiện ứng cứu khó khăn.