Giải pháp nào vực dậy các làng nghề thủ công? (Kỳ I)

17:43, 07/04/2017

Những năm qua, khu vực làng nghề luôn có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn, có nguy cơ bị mai một. Thực trạng đó đòi hỏi cần có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở hướng phát triển cho các làng nghề... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến các làng nghề dâu tằm tơ và thủ công mỹ nghệ.

Trăn trở phía sau cổng làng nghề
 

Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 196 làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó có 174 làng nghề chè; 10 làng nghề chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; 5 làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng; 4 làng nghề mây tre đan; 1 làng nghề trồng dâu nuôi tằm; 2 làng nghề trồng đào, sinh vật cảnh.    

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là các làng nghề chè, chỉ có 1 làng nghề dâu tằm tơ và 10 làng nghề thủ công mỹ nghệ. Vốn có truyền thống lâu đời cùng nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm, tưởng rằng các làng nghề thủ công sẽ tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới, tuy nhiên, trên thực tế lại không được như vậy. Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Yếu và thiếu

 

Làng nghề mây tre đan Ngọc Lý, ở xã Tân Đức (Phú Bình) được thành lập năm 2010, chuyên làm sản phẩm thủ công (khay, giỏ tích, lọ lục bình…), doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng/năm. Nhưng đến cuối năm đó hoạt động đã cầm chừng do thị trường tiêu thụ khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào lại cao, các hộ làm nghề thiếu vốn. Cuối năm 2012, làng nghề chuyển sang mô hình làm chổi chít nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 2 năm thì ngừng hoạt động hẳn. Cho đến nay, làng nghề vẫn loay hoay để tìm hướng phát triển.

 

Đối với Làng nghề dâu tằm tơ xã Tân Phú (T.X Phổ Yên), thời điểm năm 2000-2005 là giai đoạn nghề phát triển thịnh vượng. Với diện tích trên 70ha, có đến 300 hộ trên toàn xã trồng dâu, tập trung ở 2 thôn và 8 xóm, trung bình mỗi năm xã sản xuất được 70-80 tấn kén/năm (7-8 lứa/năm). Thế nhưng đến hiện tại, hộ trồng dâu nhiều nhất xã cũng chỉ có 5-7 sào với 5-6 nong tằm. Đưa chúng tôi đến thôn Phú Cốc, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên), nơi có làng nghề trồng dâu nuôi tằm, chị Lê Thị Hồng, Hội trưởng hộiLiên hiệp Phụ nữ xã, không giấu được vẻ tiếc nuối: Trước đây, hầu hết đất canh tác ở đây đều bạt ngàn một màu xanh của cây dâu và nghề trồng dâu nuôi tằm một thời đã đem lại cơm áo gạo tiền cho nhiều người dân của xã. Song đến nay, người dân đang dần bỏ nghề, sản phẩm tơ tằm ngày một ít…

 

Bên cạnh hai làng nghề kể trên, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng có chất lượng hoạt động thấp, hoạt động cầm chừng. Đơn cử như Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn (Phú Bình). Được thành lập từ năm 2010, những năm qua, làng nghề đã có sự gia tăng về mẫu mã sản phẩm và số hộ tham gia (20 hộ). Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gần như vẫn chỉ dừng lại ở phân phối nhỏ lẻ theo yêu cầu của một vài đại lý, cửa hàng trong tỉnh và nhu cầu của người dân địa phương.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Có nhiều nguyên nhân khiến cho các làng nghề không phát triển, thậm chí có nguy cơ mai một. Trong đó, lao động trong các làng nghề thiếu và yếu là nguyên nhân chính. Bởi, trong khi các nghệ nhân tâm huyết với nghề thì ngày càng già yếu và ít dần thì lực lượng lao động trẻ lại chưa thiết tha với nghề. Từ đó, tạo sự hẫng hụt nguồn nhân lực kế cận cả về số lượng cũng như chất lượng. Đơn cử như Làng nghề dâu tằm tơ xã Tân Phú, 100%số người làm nghề có độ tuổi từ 45 trở lên, không có thanh niên trẻ. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Sinh, người có trên 30 năm làm nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Phú Cốc, cho biết: Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa, nhưng so với việc đi làm tại các công ty, doanh nghiệp cũng không đáng là bao. Hơn nữa ở thị xã lại tập trung nhiều công ty nước ngoài đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho lớp trẻ. Bây giờ ở nhà làm ruộng và trồng dâu chỉ có người già.

 

Bên cạnh nguồn nhân lực thiếu thốn thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề lớn mà nhiều làng nghề chưa giải quyết được. Như ở một số làng nghề đỗ gỗ mỹ nghệ, bởi không có hợp đồng ổn định, giá nguyên liệu cao nên các xưởng chỉ dám sản xuất nhỏ giọt, chủ yếu người dân đến đặt đồ nội thất gia đình. Còn lý do chính khiến làng nghề mây tre đan Ngọc Lý (xã Tân Đức, Phú Bình) đã ngừng làm nghề từ lâu để chuyển sang làm dịch vụ nông nghiệp chính là việc sản xuất theo kiểu đơn chiếc, thiếu sự đầu tư về kỹ thuật, kiểu dáng nghèo nàn không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

 

Thêm vào đó, vốn đầu tư cho sản xuất cũng là một rào cản lớn để các làng nghề duy trì và mở rộng sản xuất. Do làng nghề là một tổ chức xã hội, các thành viên tự nguyện liên kết lại với nhau và không có tư cách pháp nhân cho làng nghề, cho nên, việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng là cực kỳ khó chứ chưa nói đến các nguồn hỗ trợ từ các dự án và các tổ chức khác. Đại đa số các làng nghề hiện vay vốn dưới hình thức hộ gia đình hoặc hợp tác xã trong làng nghề đứng ra vay. Là một thành viên của làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn, Phú Bình), anh Nghiêm Xuân Chinh chia sẻ: Làm nghề này quan trọng nhất là phải duy trì được vốn để mua nguyên liệu vì chi phí khá cao. Nhiều gia đình bỏ nghề vì cạn vốn, sản phẩm làm ra không bán được.

 

Ngoài ra, các cá nhân trong làng nghề còn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu định hướng, do đó sản phẩm của làng nghề không đồng đều về chất lượng, hình thức dẫn tới sức cạnh tranh thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu số lượng khi có đơn đặt hàng lớn. Thêm nữa, nhận thức chưa đúng tầm quan trọng về làng nghề của các cấp chính quyền, cùng chính sách chưa hết khiếm khuyết gây nên sự thiếu đồng bộ và chậm trễ trong việc hỗ trợ làng nghề…

 

Thách thức từ thị trường

 

Sự phát triển của làng nghề phụ thuộc chủ yếu vào việc sản phẩm của làng nghề đó có tiêu thụ và cạnh tranh được trên thị trường hay không. Nhìn vào thực trạng của nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là các làng nghề thủ công thì việc cạnh tranh trong nước khá khó khăn. Theo ông Triệu Văn Quản, Trưởng làng nghề dệt mành cọ Đồng Thịnh (xã Đồng Thịnh, Định Hóa) và một số người dân cho biết là do lợi nhuận từ nghề rất thấp, khoảng 10.000 đồng/sản phẩm. Các sản phẩm mành cọ của làng nghề ngày càng khó cạnh tranh với các mặt hàng gia dụng cùng loại bằng chất liệu khác, được sản xuất hàng loạt và có giá bán thấp hơn. Trong khi hình thức tiêu thụ sản phẩm của người làm nghề ở Đồng Thịnh vẫn không khác nhiều so với trước, tự bán nhỏ lẻ hoặc bán cho tư thương, nhiều khi chấp nhận bị ép giá. Người dân cũng có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn trước nên không mấy ai quan tâm đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống bằng cách cải tiến mẫu mã, sản xuất những sản phẩm độc đáo có giá trị cao hoặc tìm thị trường ổn định cho sản phẩm của làng nghề…

 

Từ thực trạng phát triển của các làng nghề nói trên cho thấy việc quan tâm đầu tư phát triển các làng nghề thủ công là vô cùng cần thiết và cấp bách, đòi hỏi nội lực của chính các làng nghề để chủ động thích ứng với thị trường, đồng thời là sự chung tay vào cuộc của chính quyền và các cấp, ngành liên quan.

 

(Còn nữa)