Người hiến đất trồng rừng gây quỹ

07:48, 20/04/2017

Là người có tiền tỉ, nhưng ông sống thân thiện, gần gũi, luôn giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Đặc biệt, ông đã hiến cho Chi hội Cựu chiến binh (CCB) xóm mượn 1,5ha đất để trồng rừng gây quỹ. Đó là CCB, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Trung Thành, xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định (Định Hóa).

Ông xòe đôi bàn tay chai nám cho chúng tôi xem, ở đó có những vết sẹo do gai rừng, cỏ dại. Ông bảo: Đó là những vết sẹo làm ra cơm, áo đời thường. Còn những vết sẹo tôi mang về từ sau chiến tranh, thỉnh thoảnh nhức tấy, khơi gợi lại kỷ niệm của một thời quân ngũ.

 

4 vết sẹo trên cơ thể, chắc khiến ông đau đớn lắm. Tôi nghĩ thế khi tận mắt thấy từng vết sẹo trên cánh tay trái, đầu gối trái, bả vai phải và trên ngực của người lính chiến. Ông kể: Tôi nhập ngũ năm 1977, trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và ở nước bạn Campuchia. Năm 1981, tôi xuất ngũ, trở về xóm Cỏ Bánh, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và bắt đầu sự nghiệp làm giàu của mình bằng sự cần cù, chịu tích lũy. Sau 5 năm cấy lúa, trồng sắn, nuôi lợn, trâu, tôi dành dụm được một khoản tiền để mua lại 21 ha đất đồi bãi ở xóm Khẩu Cuộng, rồi chuyển cả nhà đến làm “kinh tế mới”.

 

Cụ Nguyễn Quang Thủy, 97 tuổi (bố đẻ của ông Thành) kể: Ngày mới theo con sang khu đấy này, tôi cũng rất ái ngại, chưa biết làm gì để sống, thì “nó” bảo: Mình là nông dân, đất là mẹ, chịu khó lao động đất sẽ đẻ ra lúa, ra sắn nuôi cả nhà. Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Nhờ những năm tháng tham gia phục vụ trong quân đội, ông được đi nhiều, thấy nhiều và cũng học được nhiều điều bổ ích, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình. Nên khi có trong tay khu đất đầy cỏ dại này, ông đã nhìn thấy một sự ấm no đón đợi nơi phía trước. Ông bắt đầu thiết kế lại đồi bãi, chỗ khe sâu đắp bờ giữ nước nuôi cá, chỗ đất thuận nước làm ruộng, nơi đồi dốc dành trồng sắn, trồng mố. Ông bảo: Trong phát triển kinh tế gia đình, tôi đi bằng hai chân: một chân là trồng trọt và một chân là chăn nuôi, hai chân cùng bước đều nên kinh tế nhanh chóng ổn định. Bà Hoàng Thị Hành, vợ ông cho biết: Ban đầu lấy sắn, lúa cho chăn nuôi lợn, gà và trâu. Rồi khi có trâu nghé, lợn thịt, gà to mang bán lấy tiền đầu tư quay trở lại. Từ năm 2005 đến nay, gia đình tôi đã trồng được hơn 10 ha rừng các loại, trong đó có 1,8 ha lim, 4,5 ha mỡ và 4 ha keo; 3 ha chè; 2 áo cá rộng gần 1.000m2 và chăn nuôi thường xuyên 10 con trâu nái. Ngoài ra, tôi còn nhận chăm sóc, bảo vệ 7 ha rừng đặc dụng đầu nguồn.

 

Ông Ma Doãn Đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm cho biết: Là thương binh, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông Thành kêu đau đớn, hoặc đòi hỏi ưu đãi đặc biệt. Không chỉ lo cuộc sống gia đình mình ổn định, mà ông Thành còn giúp đỡ được nhiều người dân trong vùng bằng cách cho vay tiền vốn; bán lợn giống, trâu nghé trả chậm không lấy lãi. Có mặt ở đó, ông Ma Đình Khì, Chi hội phó CCB cho biết: Năm 2009, ông Thành đã cho Chi hội CCB xóm mượn 1,5 ha đất trồng rừng gây quỹ. Hiện đã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản trong huyện đến đăng ký mua với giá 100 triệu đồng. Dự kiến sau khai thác, chúng tôi lại cùng trồng lại rừng keo.

 

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm rừng, ông Thành nói rủ rỉ: Để tạo thêm sự gắn kết giữa các hội viên với nhau, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, rồi quyết định cho Chi hội mượn đất trồng rừng bán lấy tiền gây quỹ. Đồng thời thông qua lao động tập thể, các hội viên được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng và có điều kiện giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Cũng dưới tán rừng keo hơn 7 năm tuổi, CCB Ma Văn Tịnh kể: Khi ông Thành chủ động “đặt vấn đề” cho Chi hội mượn đất trồng rừng gây quỹ, chúng tôi mừng lắm, song chưa biết nên làm như thế nào thì ông Thành lại bảo: Đất tôi cho mượn vô kỳ hạn. Hiện tôi đã ký kết với Ban Quản lý Dự án 661. Dự án cho chúng ta tiền công phát dọn nương bãi, phân bón, giống cây lâm nghiệp và tiền chăm sóc bảo vệ. Chúng ta chỉ bỏ ra ngày công lao động. Nhớ vụ trồng rừng năm đó, chúng tôi huy động cả vợ, con cùng lên đồi phát dọn bãi, cuốc hố, trồng cây, rồi cắt cử nhau tuần tra bảo vệ.

 

Cùng năm tháng, cây lên thành rừng, tình người giữa các CCB trong Chi hội thêm keo sơn, gắn bó. Tôi chăm chú đọc dòng chữ ghi trên tấm Bằng khen của Hội CCB tỉnh trao tặng cho ông Thành, một chủ gia trại chăn nuôi, trồng rừng vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trảo thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn (2011-2016)”. Ông Thành tự hào: Để thuận lợi cho việc trồng, khai thác rừng, năm vừa rồi tôi bỏ tiền thuê máy mở đường vận xuất lên núi. Tôi làm như vậy không phải để lấy danh tiếng, mà cốt để những người từng một thời mang áo lính chúng tôi được chung vai, sát cánh trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Mải chuyện, mặt trời xuống núi từ khi nào không hay. Tôi vội chia tay các CCB xóm Khẩu Cuộng, lòng mang theo niềm vui của những CCB nơi chân núi thẳm xa. Họ biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của mình, để cùng làm nên một khu rừng xanh mang lại trăm triệu đồng cho 10 hội viên. Tôi thở phào: Có lẽ đây là một chi hội CCB ở vùng cao, miền núi gây dựng được chân quỹ cao nhất trên cả nước, đạt hơn 10 triệu đồng/hội viên.