Nông dân ưa dùng phân bón Việt

10:09, 24/04/2017

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài yếu tố thời tiết, chất lượng cây, con giống thì phân bón cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhận thức rõ được điều này nên trong những năm vừa qua, nông dân Thái Nguyên đã thay đổi thói quen chuộng hàng ngoại, tin dùng những mặt hàng phân bón được sản xuất trong nước, phù hợp với đồng đất địa phương.

Sau cơn mùa đầu mùa, những nương chè xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) búp nào búp nấy mọc xanh mơn mởn. Vừa thu hái xong lứa chè, gia đình ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng xóm Vân Long quay ra dọn dẹp cỏ dại để tạo độ thông thoáng cho nương chè, hạn chế sâu bệnh. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Thìn chia sẻ: Xóm có 104 hộ với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng cây chè và trồng rừng. Vài năm trước đây, bà con trong xóm mỗi người sử dụng một loại phân bón khác nhau, hễ trời mưa là thi nhau mang phân đạm, lân, kali ra vãi ở các nương chè. Vì địa hình chủ yếu là đất đồi, dốc nên sau khi mưa tạnh cũng là lúc các loại phân bón trôi đi hết. Vì thế, bón phân nhiều mà cây chè vẫn cằn cỗi, không cho năng suất cao.

 

Từ năm 2014, sau khi được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức, bà con chúng tôi đã biết cách bón phân cân đối, hợp lý. Đồng thời, sử dụng các loại phân bón của các đơn vị uy tín sản xuất như: Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao... Bà Nguyễn Thị Thuận, một hộ dân trong xóm nói: Phân bón hỗn hợp NPK là không thể thiếu đối với người nông dân chúng tôi. Từ ngày dùng phân bón Văn Điển, tôi thấy nương chè nhà tôi lên xanh tốt, búp to, lá dày, năng suất cao, cây khỏe nên cũng đỡ phải phun thuốc trừ sâu nhiều lần so với trước đây. Ngoài ra, bà con chúng tôi đã thay đổi thói quen, bón phân theo kiểu cuốc hố, vùi sâu chứ không vãi trên mặt lá như trước đây nữa. Làm như vậy phân được giữ lại trong đất, cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây, tránh bị rửa trôi, gây lãng phí.

 

Không chỉ ở vùng chè Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn, tại một số địa phương khác trong tỉnh, bà con nông dân cũng đang chuộng dùng phân bón có chất lượng, uy tín, được sản xuất trong nước để bón cho cây lúa và hoa màu. Bà Phạm Thị Dung, ở tổ 16, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi cấy 5 sào lúa TBR 225. Ngoài sử dụng phân chuồng, trung bình mỗi năm gia đình tôi cũng sử dụng hơn 3 tạ phân bón các loại để bón lót, bón thúc cho lúa tùy theo từng giai đoạn. Tôi thường đến các cửa hàng uy tín để mua phân của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, chứ mua ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tôi cũng được cán bộ khuyến nông khuyến cáo nên sử dụng phân bón hỗn hợp NPK, phân chuyên dùng cho lúa để có điều kiện cung cấp cân đối dinh dưỡng cho cây, góp phần giảm chi phí tăng hiệu quả phân bón, hạn chế sâu bệnh hại.

 

Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh rất ưa chuộng mặt hàng phân bón được sản xuất trong nước vì giá cả phù hợp, thị trường phân phối rộng khắp, thuận lợi cho sản xuất. Đáp lại niềm tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm, tập trung mở kênh phân phối về tận vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Vì thế, bà con nông dân Thái Nguyên ngày càng ủng hộ và tin dùng các sản phẩm phân bón trong nước để đảm bảo năng suất cây trồng và hướng tới làm giàu.

 

Ông Đỗ Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên cho biết: Mỗi năm, Công ty cung ứng trên 78 nghìn tấn phân bón các loại như: Phân NPK, đạm ure, đạm Hà Bắc... Trong đó, 97-98% là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Với 9 chi nhánh tại 9 huyện, thành, thị, hiện sản phẩm phân bón của Công ty đang cung ứng chiếm 70% thị trường phân bón toàn tỉnh. Ngoài việc cung ứng phân bón kịp thời vụ, tại mỗi trạm giao dịch, cán bộ kỹ thuật của công ty luôn sâu sát, đồng hành cùng các đại lý cũng như bà con nông dân để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Đại diện Công ty sản xuất cũng thường đến khảo sát các đại lý bán hàng để nắm bắt tình hình tiêu thụ sản phẩm, lắng nghe ý kiến phản hồi của bà con nông dân, kịp thời tiếp thu và đáp ứng nguyện vọng của bà con.