Từ khi nhận được giải Bạc quốc tế, tôi đã trăn trở rất nhiều, bằng lòng với những gì mình có hay tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh chất lượng, thương hiệu vươn xa hơn nữa trước không ít khó khăn, thử thách. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi đã đưa ra quyết định như kẻ đã “ngồi trên lưng hổ”.
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thái dường như không có thời gian ngơi nghỉ. Bà khi thì có mặt tại T.P Thái Nguyên, lúc chạy Hà Thượng, khi thì đến trên đồi chè với các chủ cơ sở đầu mối cung cấp nguyên liệu cho Công ty. Nơi bà dành nhiều thời gian hơn cả vẫn là ở xóm Đồng Tiến, xã La Bằng (Đại Từ). Đây không chỉ là một trong những vùng đất chè nổi tiếng ngon của tỉnh mà còn là trụ sở mới mà Công ty vừa mới đầu tư thêm từ việc mua lại Nhà máy chè La Bằng. Tới nơi, chúng tôi thấy bà Hiền đang tất tả chỉ đạo đội thợ thiết kế không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè của Công ty sao cho vừa ý, vừa bận tiếp khách, giao dịch qua điện thoại… Dẫu vậy, với tấm lòng mến khách, bà vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian theo lịch hẹn.
Bà chia sẻ: Được giải Bạc quốc tế về chè, tôi quá bất ngờ và tự hào. Cũng từ lúc ấy, ngoài sự quan tâm, động viên của tỉnh, tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi, đơn đặt hàng của các đơn vị trong và ngoài nước. Đó là những động lực thôi thúc tôi không được phép mình tự bằng lòng với điều đang có mà phải tiến xa hơn nữa. Mua lại Nhà máy chè La Bằng là một trong những bước đi đầu tiên của tôi để tiếp tục khẳng định sự gắn bó, tâm huyến với cây chè. Mặt khác, tôi tiến hành quy hoạch lại vùng nguyên liệu theo hướng mở rộng trên cơ sở những vùng chè ngon đã có trước đó. Mục tiêu của tôi là đưa thương hiệu chè của Công ty cũng như của tỉnh không ngừng vươn xa trên thế giới.
Được biết, Công ty Cổ phần Chè Hà Thái đã và đang thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để có thành quả như ngày hôm nay, đơn vị đã phải hoàn thiện rất nhiều khâu, nhất là thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến để các thị trường khó tính có thể chấp nhận được. Đối với vùng chè nguyên liệu, Công ty lựa chọn, khoanh vùng rất rõ. Mẫu đưa về được đem đi phân tích chất lượng rất kỹ, đảm bảo đáp ứng mọi tiêu chuẩn mới được chấp nhận. Điều này càng được thực hiện khắt khe hơn từ ngày Công ty đoạt giải thưởng. Hiện nay, Công ty đưa vào vùng quy hoạch khoảng 250ha diện tích chè đạt chuẩn với khoảng 60 đầu mối, chủ yếu ở các vùng chè Chính Phú, Tân Linh, Tân Hương. Mục tiêu của Công ty trong năm 2017 này là hoàn thiện quy trình sản xuất Organic (quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ) đối với sản phẩm chè. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, đây là quy trình theo quy chuẩn quốc tế. Khi đã đạt được tiêu chuẩn này, việc đưa sản phẩm chè vào thị trường thế giới sẽ rộng mở, ngay cả đối với những thị trường khó tính nhất.
Quả thực, hơn 16 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, bà Bà Nguyễn Thị Hiền giới thiệu sản phẩm của Công ty cho khách hàng Hà Nội tại khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm xóm Đồng Tiến, xã La Bằng (Đại Từ).Hiền luôn chọn cho mình một lối đi riêng. Bà đã dành thời gian đi nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các vùng chè ngon nhất trong tỉnh để lựa chọn vùng nguyên liệu cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó là sự dày công nghiên cứu, thực nghiệm lai tạo, pha trộn giữa các giống chè, cách chăm sóc, thu hái, sao sấy, bảo quản… tạo ra dòng sản phẩm chất lượng, ngon nhất. Nhờ cách làm việc nghiêm túc đó mà sản phẩm chè của Công ty luôn được khách hàng đánh giá cao. Hiện, Công ty có 12 sản phẩm chè, mỗi loại lại có giống cây, vùng đất trồng, cách thu hái chế biến khác nhau để tạo ra mỗi hương vị riêng biệt, dành cho từng đối tượng thưởng trà.
Một trong những sản phẩm được bà tâm đắc nhất là chè Tiến Vua mà mình đã dày công tạo ra sau nhiều năm “lăn lộn” với cây chè. Đó là sự kết hợp giữa giống chè Long Vân và Thiết bảo trà, khi uống nó có hương thơm giống hoa lan, cho vị chát vừa phải và vị ngọt khó quên. Bà Chia sẻ: Để làm ra loại sản phẩm này rất nhọc công. Việc hái chè chỉ được tiến hành trong khoảng tháng 9, tháng 10 của năm, khi trời có gió heo may, những tinh túy của đất trời hội tụ đủ trên búp chè tươi. Vì là hái chè đinh nên 20 người hái trong 1 ngày chỉ được khoảng 8 lạng chè thành phẩm. Ngoài pha trộn tỷ lệ giữa 2 giống chè thì thời điểm hái, chế biến cũng là một bí quyết. Khi một người sành chè uống loại này rồi sẽ bị “nghiện” và không muốn chuyển sang loại khác nữa. Cũng vì nó đặc biệt ngon và khó làm như vậy mà giá thành cũng rất cao, mỗi kg có giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Tôi đặt cho nó cái tên Tiến vua cũng vì những lẽ đó.
Giải Bạc chè Quốc tế Bắc Mỹ năm 2016 mà Công ty cổ phần chè Hà Thái nhận được không chỉ là niềm vui của đơn vị mà còn như một sự khẳng định chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên. Giải thưởng đã bước đầu khẳng định, chất lượng chè của đơn vị này nói riêng và Thái Nguyên nói chung hoàn toàn có thể chinh phục và cạnh tranh ở những thị trường lớn. Đặc biệt, cùng với việc tham gia các chương trình, hội thảo về cơ hội của các nhà sản xuất chè vào thị trường Canada cũng như tìm hiểu cơ hội cho chè xanh đặc sản Việt Nam tại Mỹ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh đã mở ra triển vọng, bước đi khởi đầu cho xuất khẩu chè đặc sản của Công ty nói riêng và chè Thái Nguyên đối với thị trường thế giới, trong đó có những thị trường được coi là khó tính như Mỹ. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Hiền mong muốn các cấp chính quyền của tỉnh cùng vào cuộc chỉ đạo bà con trồng chè nói chung và những hộ tham gia cung cấp nguyên liệu cho Công ty nói riêng thực hiện đúng quy trình sản xuất, đồng thời tạo cầu nối liên kết với các nhà khoa học cũng như ngành liên quan trong sản xuất và xuất khẩu.