Theo Dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn giai 2016-2020, huyện Võ Nhai có 28 xóm được đầu tư kéo điện với tổng nguồn vốn hơn 120 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành vào cuối quý II năm 2017. Khi Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những xóm bản đặc biệt khó khăn này…
Hiện nay, huyện Võ Nhai có 28 xóm, thuộc 9 xã chưa có điện lưới Quốc gia. Đây là những xóm, bản khó khăn nhất và chiếm phấn lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Quá “khát” điện nên những năm gần đây, một số người dân ở các xóm này đã sử dụng máy phát điện nước mini, dùng ắc quy, đầu nổ để tạo ra nguồn điện chiếu sáng. Tuy nhiên, những giải pháp như trên vẫn không hiệu quả vì nguồn điện không ổn định, chi phí quá cao…
Anh Triệu Văn Thọ, xóm Cao Biền, xã Phú Thượng chia sẻ: 100% các hộ dân trong xóm là đồng bào dân tộc Dao, phần lớn các hộ thuộc diện hộ nghèo. Vì không có điện lưới nên một số hộ dân phải dùng máy phát điện nước mini lắp đặt ở các khe suối, dựng cây làm cột điện nên cứ có gió lớn, mưa to là đổ gẫy, máy phát điện bị cuốn trôi. Còn vào mùa khô, khe suối cạn nước thì mang máy phát điện về cất ở góc nhà, để lâu bị hoen gỉ hết. Người dân ở đây đã mua được tivi nhưng không có điện nên cũng đành bỏ đó.
Còn bà Dương Thị Lan, xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường cho biết: Muốn có điện nên năm 2014 người dân trong xóm đã tự bỏ tiền mua dây, dựng cột bằng gỗ tạp để kéo điện ở các khu vực lân cân. Hộ nào ở gần thì cũng cách vài trăm mét, hộ nào ở xa cũng cách gần 3km nên nguồn điện vừa yếu, vừa hao tải lớn, giá điện tăng cao. Do điện yếu, nhất là vào buổi tối nên các vật dụng sử dụng nguồn điện đều không phát huy nhiều tác dụng. Bên cạnh đó, những hộ nghèo trong xóm cũng không được hỗ trợ tiền điện theo quy định của Nhà nước, bởi phải mua lại từ hộ dân khác. Cuối năm 2016, Nhà nước có quyết định đầu tư kéo điện vào xóm, người dân nơi đây đều rất phấn khởi. Hiện tại, các đơn vị thi công đang đổ móng, chôn cột để kéo điện vào xóm. Nhiều hộ dân ở đây đã chuẩn bị tiền để mua các thiết bị điện về để phục vụ sinh hoạt của gia đình…
Ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết: Theo Dự án, xã có 3 xóm chưa có điện được đầu tư đưa điện về tận hộ. Trước khi thực hiện thi công, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động đối với những hộ dân bị ảnh hưởng của hành lang an toàn lưới điện và các trạm biến áp, chân cột hiến đất nên người dân đều đồng tình ủng hộ.
Còn anh Trịnh Viết Thiện, Phụ trách kỹ thuật của Công ty Xây lắp Quang Đạt (đơn vị thi công lắp đặt kéo đường dây điện tại 2 xã Nghinh Tường, Sảng Mộc) chia sẻ: Hiện nay, đơn vị đã thi công xong việc làm móng chôn cột, riêng tuyến vào xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc đã chôn xong cột và lắp xà. Tuy nhiên, đối với tuyến đường điện vào xóm Khuổi Mèo có 8 cột và trạm biến áp còn vướng về mặt bằng bởi bà con vẫn chưa đồng đồng ý hiến đất, đòi tiền đền bù…
Qua tìm hiểu ở một số xóm thụ hưởng của Dự án, người dân đều phấn khởi, đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ở một số xóm không thuộc Dự án (đã có điện trước đó), người dân đòi đền bù phần đất bị ảnh hưởng. Ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch xã Phương Giao chia sẻ: Thực hiện Dự án, 4 xóm của xã được đầu tư kéo điện, có 2 hộ dân ở xóm Là Canh và xóm Đồng Dong đòi bồi thường do bị ảnh hưởng. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Ban Công tác Mặt trận của xóm để vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ của Dự án…
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Năng lượng nông thôn II cho biết: Chương trình của Dự án là Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân hiến đất các vị trí chân cột và hành lang tuyến dây (trừ đất thổ cư, nhà cửa và các công trình phụ bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng lưới điện trung áp). Đối với tài sản, như: cây cối, hoa màu bị thiệt hại khi thi công thì đơn vị nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ…
Dự án kéo điện cho 28 xóm, bản của Võ Nhai sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này. Theo dự kiến, tất các các tuyến đường điện trên địa bàn huyện Võ Nhãi sẽ đóng điện vào cuối quý II năm 2017. Vì vậy, ngoài sự quyết tâm của Trung ương và tỉnh, chính quyền huyện Võ Nhai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của Dự án, sớm đồng thuận để giao mặt bằng cho đơn vị công. Nếu công tác giải phóng mặt không được thực hiện theo kế hoạch sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ của Dự án, người dân các xóm đặc biệt khó khăn sẽ chậm có điện sử dụng…