Vẫn tăng dù một số sản phẩm giảm sâu

09:00, 12/04/2017

Kết thúc quý I, trong khi các sản phẩm công nghiệp (CN) mới nổi là điện tử, vonfram vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ thì không ít sản phẩm CN truyền thống của tỉnh bị giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự giảm sút này đã không ảnh hưởng nhiều đến giá trị sản xuất chung của toàn ngành.

Sắt thép, mặt hàng từ lâu vẫn được xem là chủ đạo trong sản xuất CN của tỉnh, những tháng đầu năm nay có phần chững lại. Kết thúc tháng 3 vừa qua, toàn tỉnh mới sản xuất được 237 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị đứng số 1 về sản xuất thép của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quá trình đầu tư Dự án giai đoạn 2. Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiến hành thanh tra toàn diện Dự án này nên cũng có những tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất của đơn vị. Hơn nữa, thị trường xây dựng đầu năm chưa sôi động cũng là nguyên nhân khiến sản lượng sắt thép của Công ty sụt giảm. Được biết, ngoài Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, một số dự án luyện gang, luyện thép khác trên địa bàn cũng gần như phải tạm dừng vì giá nguyên liệu đầu vào cao, sản phẩm bán ra thấp.

 

Xi măng cũng là một trong những sản phẩm mũi nhọn của tỉnh, nhưng mấy tháng qua đã giảm sản lượng còn 545 nghìn tấn, thấp hơn 18,3% so với cùng kỳ năm trước. 3 nhà máy sản xuất xi măng lớn nhất tỉnh là Quang Sơn, La Hiên và Quan Triều đều sụt từ 10% đến 20% sản lượng so với quý I năm 2016. Lý do cũng bởi nhu cầu xây dựng hiện tại chưa cao. Các hạng mục công trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 cùng nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh có kế hoạch đầu tư năm nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục đầu tư.

 

Kéo theo đó, một số mặt hàng vẫn được xem là truyền thống khác của tỉnh cũng bị sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, gồm: Than khai thác giảm 9,1%, gạch xây dựng giảm 11,7%, đá khai thác giảm 21,9%, đồng tinh quặng giảm 12%, thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa giảm 20%... Theo ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường (đơn vị chuyên sản xuất vật liệu xây dựng) thì các sản phẩm gạch xây dựng những tháng đầu năm nay tiêu thụ khá chậm so với các năm trước. 3 tháng qua, sản lượng tiêu thụ của đơn vị đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lý do chính vẫn là các dự án đầu tư khởi công mới dịp đầu năm ít, hơn nữa một số dự án quy mô lớn tuy đã khởi công song vẫn chưa triển khai.

 

Mặc dù một số sản phẩm CN truyền thống của tỉnh giảm đáng kể, song không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của toàn ngành. Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Sở Công Thương, ông Đôn Văn Thủy cho hay, thực tế thì các sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành. Bằng chứng là kết thúc quý I, chỉ số sản xuất CN của tỉnh tăng khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Gánh vác cho toàn ngành hiện tại vẫn là các nhóm sản phẩm điện tử, vonfram và sản phẩm vonfram, hàng may mặc. Số liệu phân tích cho thấy, giá trị sản xuất khu vực CN truyền thống của tỉnh chỉ chiếm chưa đầy 10% trong tỷ trọng toàn ngành. Cụ thể, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt giá trị 114,2 nghìn tỷ đồng thì khu vực CN trong nước chỉ đạt giá trị gần 9 nghìn tỷ đồng.

 

Theo báo cáo mới nhất của ngành Công Thương Thái Nguyên, quý I vừa qua, sản phẩm điện tử ước đạt 28,4 triệu sản phẩm, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Đơn vị sản xuất chính mặt hàng điện tử là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, trong quý I đã sản xuất được 23,2 triệu sản phẩm điện thoại thông minh, tăng 9,6% và 5,2 triệu sản phẩm máy tính bảng, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Theo bà Khổng Thị Tâm Hằng, Thư ký Tổng Giám đốc Samsung Thái Nguyên, bởi sản lượng hàng điện tử cuối năm 2016 bị chững lại (do sự cố kỹ thuật – P.V) nên ngay từ đầu năm 2017, Samsung Thái Nguyên đã đẩy mạnh sản xuất bù đắp phần thiếu hụt trước đó. Hơn nữa, một loạt sản phẩm mới của Samsung ra đời đang được khách hàng ưa chuộng nên đơn vị đã tăng mạnh sản lượng.

 

Đối với một số sản phẩm khác có mức tăng cao là may mặc, 3 tháng đầu năm nay cũng vượt sản lượng tới 28,5% so với cùng kỳ, sản phẩm vonfram tăng 51,1%, điện thương phẩm tăng 14,9%, nước máy thương phẩm tăng 21,4%...

 

Dù chỉ số sản xuất toàn ngành CN vẫn tăng tới 12,5%, nhưng tăng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bởi vậy, khu vực CN trong nước, nhất là CN địa phương đang gặp không ít khó khăn, rất cần được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển tương xứng.