Với mục tiêu quản lý đầu vào, đầu ra và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một hướng đi thích hợp đối với Thái Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều địa phương, chính quyền và người dân chưa hiểu đúng về cách thức thực hiện chương trình này.
Những ngày giữa tháng 4 này, các cánh đồng rau ở xóm Xuân Đài cùng nhiều xóm khác của thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) xanh mướt mát. Từ hơn chục năm nay, địa phương này đã trở thành nơi cung cấp rau xanh cho các xã lân cận. Ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn cho biết: Với 120ha đất trồng rau hiện có, rau xanh được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân thị trấn. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau xanh của địa phương thông qua việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
Nếu rau an toàn là một trong những sản phẩm chủ lực ở thị trấn Hùng Sơn thì đối với xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), hoa lại là một trong những loại cây trồng thế mạnh. Hiện nay, xã có 15ha trồng hoa chuyên canh và 20ha trồng hoa trong vụ đông. Trên cùng một diện tích đất canh tác, thu nhập từ trồng hoa cao gấp đôi so với trồng rau màu và gấp ba so với cấy lúa (1 sào hoa cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/lứa). Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đã định hướng cho người dân trồng các loại hoa chất lượng cao (như lily, loa kèn trắng…) để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và còn có cơ hội xuất khẩu.
Đối với xã Thành Công (T.X Phổ Yên) thì chè lại là cây trồng thế mạnh. Từ việc áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất 190/340ha chè hiện có, sản phẩm chè an toàn của xã đang dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Không chỉ Hùng Sơn, Huống Thượng, Thành Công mà ở hầu hết 180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Tại Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh tổ chức tháng 11-2016 vừa qua, nhiều, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã “tung” ra những sản phẩm là thế mạnh của địa phương và được người tiêu dùng đón nhận. Chị Nguyễn Thu Hà, tổ 20, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Có dịp tham gia Hội chợ, tôi thấy nhiều sản phẩm trưng bày ở đây rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như rau xanh; các loại hoa, quả tươi; bánh; miến dong; mỳ gạo; chè búp khô; gạo bao thai… Biết rõ nguồn gốc của sản phẩm nên chúng tôi thấy rất yên tâm khi sử dụng.
Từ thực tế cho thấy, tỉnh ta có nhiều lợi thế để triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh vẫn chưa xây dựng được chương trình cụ thể để sớm đi vào triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh, chính quyền địa phương và người dân chưa hiểu rõ về Chương trình này, cho rằng phải có kinh phí mới có thể thực hiện được.
Trên thực tế, “mỗi xã, phường một sản phẩm” là một phong trào nội sinh. Chính vì vậy, chính quyền (từ cấp tỉnh đến cấp xã) chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho những hoạt động của Chương trình. Những lĩnh vực hỗ trợ quan trọng nhất của chính quyền là kỹ thuật; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực; cung cấp cho người dân những hướng dẫn kỹ thuật và trợ giúp trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm… Trong đó, việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu sản phẩm của Chương trình sẽ được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm thông qua nhiều loại hình hoạt động khác nhau như: tổ chức các hội thi sản phẩm giữa các xã, phường, thị trấn; hình thành những điểm giới thiệu sản phẩm ở những nơi thu hút khách du lịch; tổ chức những chiến dịch trình diễn, giới thiệu sản phẩm và các hội chợ, nhất là các hội chợ ở những thành phố lớn; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Chương trình; huy động hệ thống thông tin vào cuộc tuyên truyền về Chương trình và các sản phẩm được làm ra… Ngoài ra, các cấp, ngành cũng sẽ hỗ trợ kịp thời về phương pháp tổ chức và quản lý sản xuất cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các hoạt động nhằm phát hiện ra những tiềm năng, lợi thế phục vụ cho những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương trong tỉnh.
Trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, người dân mới đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động, là người phát hiện ra tiềm năng và lập kế hoạch để phát triển các sản phẩm mang đặc thù vùng quê mình. Họ cũng chính là người đứng ra tổ chức trang trải kinh phí, đồng thời chịu mọi rủi ro (nếu có) cho các chương trình phát triển nông thôn của mình. Bởi vậy, nếu thực hiện Chương trình này, Nhà nước sẽ không phải mất quá nhiều kinh phí để thực hiện. Còn người dân cũng không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải tự chủ động lên kế hoạch để xây dựng và thực hiện chương trình phát triển những sản phẩm là tiềm năng thế mạnh của quê hương mình.
Năm 2008, Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” được Bộ Nông nghiệp và PTNT khởi xướng tại một số địa phương. Sau đó, nhiều địa phương đã phát triển thành Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Qua một thời gian thực hiện đã khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì lẽ đó, việc hiểu đúng và sớm xây dựng, triển khai Chương trình này là rất cần thiết đối với Thái Nguyên.