Những năm qua, sự xuất hiện của các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Phú Bình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của những địa phương có các khu, CCN. Một trong những nơi có sự thay đổi đáng kể mà chúng tôi muốn nhắc đến là xã Kha Sơn, miền quê giàu truyền thống cách mạng nay đã chuyển mình phát triển nhanh.
Kha Sơn được biết đến là một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Trong thời kỳ chống Pháp, Kha Sơn là 1 trong 3 địa phương được chọn để xây dựng Khu An toàn khu thứ 2 (ATK 2), đây là nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Kha Sơn là xã đầu tiên của tỉnh thành lập được chính quyền cách mạng và là một trong những địa phương lúc bấy giờ giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Kha Sơn đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Xã đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tiếp nối truyền thống hào hùng vẻ vang đó, những năm qua, chính quyền, nhân dân các dân tộc Kha Sơn đã đoàn kết, thi đua xây dựng quê hương phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn từng bước có những khởi sắc.
Nói về sự đổi thay này, ông Lương Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn cho biết: Cuối năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định quy hoạch CCN Kha Sơn với diện tích 13,2ha. Ngay sau khi có quy hoạch, CCN Kha Sơn đã thu hút được 1 nhà đầu tư lớn là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên (Công ty TNG). Công ty TNG đã thuê toàn bộ diện tích trên 13ha này, đầu tư 270 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, nhà xưởng. Đầu năm 2011, doanh nghiệp đi vào hoạt động may mặc hàng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động trong và ngoài địa phương. Sự xuất hiện của Công ty TNG đã tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân trong huyện được Công ty TNG ưu tiên tạo điều kiện làm việc; hằng năm, Công ty đều có những chương trình tặng quà, hỗ trợ giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình, địa phương khó khăn.
Đơn cử với riêng xóm Tân Thành, nơi có nhiều diện tích đất bị thu hồi để xây dựng nhà xưởng Công ty TNG. Trước kia, khi tiến hành giải phóng mặt bằng, hơn chục hộ dân trong xóm đã nhiệt tình hưởng ứng chủ trương và nhanh chóng bàn giao đất cho đơn vị, nhờ vậy mà Công ty TNG sớm xây dựng được nhà xưởng và đi vào hoạt động ngay trong năm 2011. Đáp lại sự nhiệt thành của người dân, những năm qua Công ty TNG luôn giành sự ưu tiên quan tâm hơn cả cho địa phương. Bà Lương Thị Thuyết, Bí thư Chi bộ xóm Tân Thành cho hay: Từ khi có doanh nghiệp này, người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều. Năm 2012, thấy đời sống người dân khó khăn, Công ty TNG đã hỗ trợ cho xóm 250 triệu đồng để xây nhà văn hóa, vì thế nên 250 hộ dân trong xóm, mỗi hộ chỉ phải đóng thêm 500 nghìn đồng. Năm 2016, Công ty tiếp tục hỗ trợ 96 triệu đồng để xóm đầu tư sơn sửa, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa. Hằng năm, Công ty đều tạo điều kiện cho con em trong xóm, xã vào làm việc với mức thu nhập ổn định, các dịp lễ Tết, Công ty đều tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn của địa phương; đặc biệt mới đây, Công ty cũng đã hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Xoa 50 triệu đồng để xây sửa nhà…
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Kha Sơn. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại Hợp tác xã đồ mộc mỹ nghệ Phú Lâm.
Ở Kha Sơn, khi có Công ty TNG, hàng chục hộ dân sinh sống gần đó đã đầu tư xây dựng các cửa hàng, nhà hàng, nhất là dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ để đáp ứng các nhu cầu về ăn, mặc, ở của công nhân. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 170 hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ. Nếu như trước kia, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 100% thì nay con số đó chỉ còn khoảng 50%. Vì vậy mà mức thu nhập của người dân cũng dần cao lên, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm chỉ còn 8,3%.
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Kha Sơn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Công nghiệp phát triển cũng kéo theo các ngành tiểu thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã làng nghề đồ mộc mỹ nghệ Phú Lâm với 12 xưởng sản xuất quy mô lớn, hàng chục gia đình sản xuất gia công đồ mộc mỹ nghệ. Bình quân, giá trị từ sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 12%, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn đạt 50 tỷ đồng.
Những năm qua, CCN Kha Sơn cùng với CCN Điềm Thụy, KCN Điềm Thụy đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Phú Bình, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng tỷ trọng Công nghiệp xây dựng chiếm 30,9%, đưa huyện Phú Bình thoát khỏi một huyện thuần nông.