Mang nghĩa tình đến với bản người Mông (Kỳ 1)

09:51, 25/05/2017

Cư trú chủ yếu trên những sườn núi cao, địa thế cheo leo, đường đi hiểm trở, đời sống của đồng bào dân tộc Mông gặp nhiều khó khăn nhất so với các dân tộc khác trong tỉnh. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, ngày 16-9-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2037/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (viết tắt là Đề án 2037), với tổng kinh phí thực hiện gần 123 tỷ đồng. Từ đó đến nay, những công trình đầu tư theo Đề án được bà con gắn với con số 2037.

Món quà đặc biệt dành tặng đồng bào

 

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án, dấu ấn những công trình 2037 đã hiện diện ở khắp các xóm, bản người Mông trong tỉnh. Nụ cười hạnh phúc của mỗi người dân nơi đây cũng là niềm vui chung của cả cộng đồng.

 

Đường mới mở, no ấm theo về

 

Trở lại các xóm, bản đồng bào dân tộc Mông sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 2037, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những gì thu vào tầm mắt. Các tuyến đường bê tông như dải lụa xám uốn mềm, nổi bật trên nền xanh mỡ của những nương ngô, sắn, chè. Bản Mông đã thực sự khác xưa nhiều rồi.

 

Nơi chúng tôi đến đầu tiên là Na Sàng và Phú Thọ - 2 xóm, bản đặc biệt khó khăn ở xã Phú Đô (Phú Lương). Tuyến đường bê tông mới được xây dựng theo Đề án 2037 ở 2 xóm có tổng chiều dài 3,5km (xóm Na Sàng 1,8km, xóm Phú Thọ 1,7km), với tổng mức đầu tư khoảng 4,4 tỷ đồng. Trò chuyện với ông Hoàng Văn Sì, nguyên Trưởng xóm Phú Thọ, chúng tôi cùng ông “ôn nghèo kể khổ”. Ông Sì kể: Ngày xưa ấy à, mỗi khi trời mưa to là nước suối đổ như thác, xóm trở nên biệt lập với bên ngoài, bà con chỉ ru rú ở nhà. Cân ngô, cân chè chật vật làm ra mà phải bán rẻ như cho vì bị tư thương ép giá. Xóm, bản rặt nhà nghèo, lác đác vài hộ được xếp diện cận nghèo. Từ ngày có đường mới, việc đi lại, mua bán thuận tiện hơn, đời sống của bà con đã nhiều đổi thay; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 50%, nhiều hộ đã có thu nhập khá.

 

Mang theo niềm vui từ Phú Đô, chúng tôi đến xóm Vân Lăng, nơi giao thông khó khăn nhất của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Đường vào xóm trước nhiều dốc cao, nền đường lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn. Để ra trung tâm xã cách 5km bà con phải mất 2-3 giờ đi bộ. Nông sản rất khó tiêu thụ, cuộc sống như một vòng luẩn quẩn tự cung tự cấp, cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi không dứt được. Nhưng từ năm 2015, khi đường trục xóm hơn 3km được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, cuộc sống người dân nơi đây như sang trang mới. Ông Dương Đức Lợi, Trưởng xóm Vân Lăng phấn khởi kể: Ngày trước, chúng tôi phải “cõng” ngô đi bộ đến điểm thu mua mà mỗi cân ngô giống chỉ bán được khoảng 4.000 đồng thôi, nay ô tô vào tận xóm mua, giá ngô vẫn được 6.000 đồng đấy...

 

Tạm biệt Đồng Hỷ, chúng tôi ngược đường lên huyện vùng cao Võ Nhai. 3 năm trước, đường vào Khuổi Mèo, Lân Thùng lầy lội, trơn trượt và hay bị chia cắt vào mùa mưa; đường lên Mỏ Chì, Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài chỉ là những lối ven núi đá cheo leo. Giao thông ở đây khó khăn bậc nhất huyện Võ Nhai. Thế rồi, 8 tuyến đường bê tông (với tổng chiều dài 25,4km) vào các xóm này như những “đôi đũa thần” làm nên sự đổi thay kỳ diệu. Chỉ mất hơn 20 phút từ trụ sở UBND xã Thượng Nung, chúng tôi đã đến trung tâm các xóm Lũng Luông, Lũng Cà, nơi có trên 150 hộ dân, phần lớn di cư từ tỉnh Cao Bằng về đây khoảng 30 năm trước. Vẫn cung đường này cách đây vài năm, nhiều người đành phải cuốc bộ bởi không đủ can đảm lái xe. Trưởng xóm Lũng Luông, anh Đào Văn Mình nói mộc mạc: Ôi, lúc trước đường khó lắm, không đi xe máy được đâu, nhiều người cũng bị ngã rồi đấy! Người dân mình phải đi bộ gùi ngô xuống chợ bán, mua gạo muối về ăn. Giờ thì đường dễ quá rồi, bà con vui lắm. Lái buôn đánh xe tải lên tận xóm để mua ngô mà… Cùng tâm trạng phấn khởi, anh Lý Văn Páo, ở xóm Lũng Cà) bảo: Ngày trước mình phải đi bộ qua đường tắt để xuống xã, đường khó nên làm ra thứ gì chủ yếu để ăn, để dùng thôi, khó mang đi bán lắm. Cả tháng mới dám xuống chợ đôi lần. Nay thì đi xe máy tốt rồi, ai cũng vui.

 

Niềm vui từ những vụ ngô theo Đề án

 

Toàn tỉnh hiện có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện (Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa) có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với tổng số hơn 1.520 hộ, gần 8.000 nhân khẩu.

Theo Đề án 2037, Văn Lăng là một trong 3 xã của huyện Đồng Hỷ được hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai nhiều nhất. Toàn xã có hơn 1.300 hộ với trên 5.000 khẩu, trong đó có gần 400 hộ là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống tập trung ở 5 xóm là: Vân Lăng, Khe Cạn, Mỏ Nước, Liên Phương, Bản Tèn. Sau 3 năm thực hiện Đề án, toàn xã đã có trên 1.000 lượt hộ được hỗ trợ gần 13.000kg giống, trên 830.000kg phân bón, tương đương số tiền 4,7 tỷ đồng.

 

Để khảo sát kết quả hỗ trợ giống ngô lai đối với các hộ đồng bào dân tộc ở xã Văn Lăng, chúng tôi đã đến một số xóm được hưởng lợi từ Đề án. Có một điểm chung ở những xóm này là đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đồi ngô bạt ngàn, xanh ngát. Cây ngô mang trên mình những bắp căng tròn báo hiệu một mùa vụ bội thu. Ghé vào xóm Liên Phương, chúng tôi được anh Triệu Xuân Lợi, Phó xóm cho biết: Toàn xóm có gần 160 hộ, gần 100% số hộ là đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 90%. Năm nay là năm thứ 3 xóm được hưởng hỗ trợ giống ngô và phân bón để sản xuất, trung bình mỗi năm toàn xóm có khoảng 140 hộ được hỗ trợ. Khoảng gần chục năm nay, nhiều giống ngô lai đã được bà con ở Liên Phương đưa vào trồng thử nhưng chỉ có giống NK4300 là phù hợp với đồng đất địa phương nhất nên khi được Nhà nước hỗ trợ cho đúng giống ngô này thì bà con rất phấn khởi.

 

Theo phản ánh của người dân trong xóm thì giống ngô lai NK4300 sinh trưởng khá tốt, không bị đổ, bắp to, nhiều hạt, thu hoạch xong cây vẫn tươi, có thể làm thức ăn cho trâu bò. Đây là ưu điểm vượt trội khi đem so sánh với các giống ngô cũ bà con từng trồng. Chị Dương Thị Mỵ, một người dân trong xóm cho biết: Từ khi xã cấp ngô của Đề án, nhà tôi năm nào cũng nhận từ 5 đến 10kg giống về trồng. Trước đây trồng giống ngô tự sản xuất, năng suất kém lắm, 1kg ngô giống chỉ thu về hơn 1 tạ thôi, chỉ đủ nhà chăn nuôi. Ngô NK4300 thì 1kg được thu hoạch hơn 3 tạ, vừa để chăn nuôi, vừa để bán.

 

Giống như người dân ở xóm Liên Phương, đồng bào người Mông ở những xóm khác cũng đều đặt kỳ vọng vào giống ngô lai này. Theo như chia sẻ của một số bà con thì ngô Đề án được đánh giá cao vì chất lượng giống chuẩn, đa số hạt gieo xuống nẩy mầm và cho thu hoạch. Ở huyện Võ Nhai, cây ngô Đề án cũng phát triển mạnh. Từ những thung lũng, những khu đất bằng hiếm hoi đến các triền núi cao, cây ngô đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định sức sống ở nơi rẻo cao vốn khô cằn. Đang nhanh tay bón thúc cho cây ngô chuẩn bị trỗ cờ, vợ chồng anh Ngô Văn Tình và chị Lầu Thị Phinh ở khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) thật thà tiếp chuyện chúng tôi: Vụ này nhà mình trồng 5 cân giống ngô lai. Mình chỉ phải đối ứng ít thôi, còn lại được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón nên đỡ rất nhiều tiền. Trước đây, lúc không có tiền mua giống, tôi phải lấy hạt ngô vụ trước ra trồng nên bắp bé lắm…

 

Theo ông Ngô Văn Xinh - người có uy tín trong cộng đồng ở đây -  khu Lân Thùng có 92 hộ dân dân tộc Mông, nguồn sống của bà con từ nhiều năm nay chủ yếu dựa vào cây ngô. Khi Chương trình 135, Đề án 2037 được triển khai, người dân không những được hỗ trợ giống vốn mà còn được tập huấn kỹ thuật mỗi vụ 1 lần nên trình độ thâm canh đã có nhiều tiến bộ. Thêm vào đó, tuyến đường theo Đề án 2037 nối Lân Thùng với Xuất Tác hoàn thành đầu năm 2015 khiến giao thương thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đời sống của người dân khá lên trông thấy, nhà nào cũng sắm được xe máy, từ 2014-2016 cả khu giảm được gần 20 hộ nghèo. Ông Xinh đúc kết: Có Nhà nước hỗ trợ, đời sống dân mình mới khá được như này đấy, dù trước bà con cũng chăm chỉ nhưng điều kiện ở đây khó khăn quá nên cứ nghèo đói mãi.

 

Theo thông tin từ Phòng Dân tộc huyện Võ Nhai, năm 2017 có 690 hộ người Mông trong huyện được hỗ trợ trồng ngô theo Đề án 2037 với tổng diện tích 237ha, tăng 10ha so với năm trước. Ngoài cây ngô, toàn huyện có 179 hộ người Mông được vay vốn ưu đãi và hỗ trợ lãi suất để chăn nuôi trâu bò, hỗ trợ trồng cỏ. Bà con cũng đã được hỗ trợ trồng 16ha cây ăn quả các loại, phù hợp với truyền thống canh tác và thổ nhưỡng của từng địa phương...

(Còn nữa)