Một chính sách lớn chưa đưa vào được cuộc sống: Các nhà đầu tư hoạt động nửa vời, e dè (Kỳ II)

09:31, 17/05/2017

Năng lực tài chính có hạn, lĩnh vực đầu tư phức tạp nên doanh nghiệp đầu tiên tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có nguy cơ phá sản nếu không tìm được hướng đi phù hợp. Chúng tôi đã đến Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây để ghi nhận thực trạng đang diễn ra và chứng kiến cảnh công nhân làm việc đều không có mặt, nhà xưởng đóng cửa. Cả bên trong và ngoài khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở xã Xuân Phương giờ được một số hộ dân mượn làm chỗ phơi, cất nông sản. Duy nhất có 1 người được giao nhiệm vụ bảo vệ ở lại trông coi tài sản của Công ty.

Tại thôn Đà Tiến, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) lại có một cảnh tượng khác. Toàn bộ khu đất được UBND tỉnh giao cho Công ty CP Hương Nguyên Thịnh xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trở thành công trường khai thác, chế biến vật liệu xây dựng tấp nập phương tiện ra vào. Phần lớn mặt bằng đã biến thành hồ nước sâu vài mét sau quá trình tận thu cát, sỏi. Khu đất này giờ cũng đang xảy ra tranh chấp khi Công ty CP Hương Nguyên Thịnh ký hợp đồng cho Công ty TNHH Hải Thành mượn mặt bằng sản xuất vật liệu xây dựng không bàn giao lại để tiếp tục thi công các hạng mục của khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Gặp chúng tôi, chủ đầu tư dự án này không ngừng than vãn về những khó khăn gặp phải và bức xúc việc Công ty TNHH Hải Thành bội tín, không thực hiện nội dung hợp đồng hai bên đã ký…

 

Đến thời điểm này, 2 doanh nghiệp trên đã đầu tư khoảng 38 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình phục vụ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Phú Bình và T.P Thái Nguyên. Riêng cơ sở tại xã Xuân Phương chỉ duy trì hoạt động được 4 tháng nhưng không có tổ chức, cá nhân nào mang gia súc, gia cầm tới giết mổ. Doanh nghiệp phải đi tìm nguồn hàng, tổ chức giết mổ nhưng không cạnh tranh được với các điểm bán thịt tại chợ hoặc tự phát vì chi phí cao hơn. Nguồn hàng cung cấp vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh cũng khó khăn vì phải qua đầu mối trung gian nên cắt gần hết lãi và chậm thanh toán tới vài tháng. Mỗi tháng lỗ hơn 100 triệu đồng nên Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây buộc phải dừng hoạt động…

 

Chúng tôi đã đến một số khu chợ trên địa bàn huyện Phú Bình để trò chuyện với những người chuyên bán thịt gia súc, gia cầm. Đa số người kinh doanh mặt hàng này cho biết họ không có nhu cầu mua thịt từ lò mổ của Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây bởi giá bán cao hơn so với việc đi mua gia súc, gia cầm về tự thịt. Chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương có thâm niên bán thịt lợn khoảng chục năm nay ở chợ Cầu Mây cho biết: Tuy nhà tôi ở ngay sát lò mổ nhưng vẫn vào các làng để đặt mua lợn với bà con nông dân rồi tự thịt. Như vậy, giá lợn bao giờ cũng thấp hơn so với mua ở trong lò mổ từ 3-5 giá, mọi chi phí điện, nước tôi cũng không phải lo vì đã có chủ nhà hỗ trợ. Còn chị Trần Thị Bích, người bán thịt lợn ở một chợ “cóc” xã Tân Hòa thông tin: Người dân tự mua vật nuôi rồi giết mổ để kinh doanh chẳng bị xử lý vi phạm hành chính, cũng không phải chịu thêm khoản phí kiểm soát giết mổ theo quy định của pháp luật.

 

Thêm một nguyên nhân nữa là việc cụ thể hoá những cơ chế ưu đãi được quy định tại Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoá XII thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng cũng chậm triển khai. Vẫn theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, hiện nay doanh nghiệp mới nhận được mặt bằng theo quy mô dự án đã được phê duyệt còn phải tự bỏ kinh phí xây dựng đường điện, trạm biến áp, hệ thống xử lý chất thải và đối ứng để làm đường bê tông. Hai doanh nghiệp mới vay ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng nên khoản hỗ trợ 40% lãi suất không đáng kể. Còn nội dung ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trong 3 năm đầu cho chủ gia súc, gia cầm giết mổ tại cơ sở tập trung vẫn đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Đem câu chuyện ở Phú Bình trao đổi với cơ quan quản lý nhà lý Nhà nước, chúng tôi được ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) lý giải rằng, lực lượng cán bộ thú y rất mỏng, chính quyền cơ sở lại vào cuộc thiếu quyết liệt nên việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh vật nuôi chưa nghiêm túc. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi - Thú y sẽ tiếp tục tuyên truyền, phố hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tham mưu xây dựng văn bản để UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc Luật Thú y, Luật vệ sinh An toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra vấn đề phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tự phát để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

 

Khác với huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên đã bước đầu thực hiện Đề án này, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên lại cẩn trọng trong quá trình triển khai. Ông Trần Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế (T.P Sông Công) cho biết: UBND T.P Sông Công lựa chọn 3 điểm để quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là: Vinh Sơn, Bình Sơn và Tân Quang. Ngoài ra, dự kiến thêm một số điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Phố Cò, Bách Quang. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được vì Đề án của tỉnh chỉ áp dụng quy mô lớn, đối tượng nhà đầu tư là các doanh nghiệp mà thực tế ở T.P Sông Công vẫn do hộ gia đình, cá nhân làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm.

 

Đối với T.X Phổ Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành khảo sát, quy hoạch địa điểm xây dựng 2 cơ sở tại xóm Hắng, xã Hồng Tiến và xóm Bắc, xã Tân Hương. Sau đó mời gọi nhà đầu tư và trong năm 2015 đã có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại Công Bằng (phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên) nộp hồ sơ, tuy nhiên do nhiều lý do đến nay vẫn chưa được chấp thuận đầu tư. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yêncho biết: UBND Thị xã đã chỉ đạo ngành thú y, UBND các xã, phường tổ chức rà soát, thống kê các hộ kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Với tổng số 14 chợ và điểm chợ, trên 200 hộ kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm nên việc xây dựng khu giết mổ tập trung là cần thiết. Nhưng đây là lĩnh vực mới, nguồn vốn đầu tư lớn, lợi nhuận không cao nên chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

 

Qua làm việc với chính quyền 4 địa phương được UBND tỉnh chọn xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy mô công nghiệp, lãnh đạo, cán bộ làm công tác chuyên môn và tổ chức, cá nhân hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, kinh doanh thực phẩm tươi sống đều kiến nghị: Ngành chức năng liên quan của tỉnh nên hướng dẫn triển khai thực hiện quản lý giết mổ đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh để tránh thắt chặt quản lý ở địa phương này lại phình ra ở địa phương khác. Đồng thời, ngành Nông nghiệp và PTNT cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về địa điểm, quy mô, diện tích, công suất đối với các điểm giết mổ động vật tập trung quy mô công nghiệp và điểm giết mổ gia súc, gia cầm tạm thời. Chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, chủ vật nuôi khi tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở tập trung nhanh chóng được triển khai và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ ổn định. Đặc biệt, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của Đề án này là người nông dân nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian dài để làm tốt từ công tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách đến tuyên dương tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm…

 

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Quan điểm của cơ quan quản lý là chỉ thực hiện các khoản hỗ trợ kinh phí từ ngân sách khi doanh nghiệp hoàn thành dự án, đưa vào vận hành sử dụng đạt hiệu quả. Vì hỗ trợ trước mà doanh nghiệp bỏ dở dự án thì ngoài mặt bằng sẽ khó thu hồi phần kinh phí đã hỗ trợ. Do vậy, doanh nghiệp đầu tư các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải huy động nguồn lực triển khai đảm bảo tiến độ, quy mô dự án như đã cam kết sẽ được hưởng tất cả chính sách ưu đãi theo quy định của Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh.       

 

Ông Đinh Văn Luyện, Quản lý Trại Chăn nuôi Thắng Lợi (HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Sông Công): Theo tôi, giai đoạn đầu nên thực hiện mô hình giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp, quy mô nhỏ dựa trên cơ sở khả năng tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng. Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy mô lớn chỉ thực hiện được khi cấm tuyệt đối việc giết mổ tự do nhỏ lẻ tại các nhà dân, kiểm soát kiểm dịch bệnh, an toàn thực phẩm chặt chẽ không chỉ ở chợ mà tất cả các điểm bày bán thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.