Trước thực trạng giá thịt lợn hơi giảm xuống thấp trong nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi thua lỗ, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm "giải cứu" cho ngành chăn nuôi.
Thời điểm từ tháng 10-2016 trở lại đây, giá thịt lợn liên tục giảm mạnh khiến các hộ chăn nuôi lỗ bình quân từ 700 nghìn đồng -1,7 triệu đồng/con. Tình trạng thua lỗ liên tục và kéo dài đã khiến các gia trại, trang trại hết sức lao đao. Chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Y Na 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ khi giá lợn xuống thấp, nhà tôi lúc nào cũng thấp thỏm, lo lắng vì đến kỳ xuất chuồng bán không có người mua, tính ra mỗi con lợn lỗ 1,5 triệu đồng. Lúc này, gia đình tôi cũng chỉ biết cho đàn lợn ăn bằng các loại thức ăn như cám ngô, khoai, sắn… để giảm chi phí và nuôi cầm cự 100 con trong chuồng chứ không dám nuôi nhiều. Còn anh Dương Thế Hùng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Tân Lập, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) thì chia sẻ: Trước đây, nhà tôi nuôi trung bình 500 con lợn nái và 3.000 con lợn thịt/lứa. Hiện nay, cả lợn thịt và lợn nái tôi đã giảm 30% tổng đàn. Do giá thịt lợn giảm sâu nên nhà tôi càng duy trì đàn lợn càng lỗ nặng và đang cạn vốn. Chúng tôi rất mong muốn chính quyền các cấp có các giải pháp để thúc đẩy thị trường tiêu thụ; đồng thời, đề nghị các ngân hàng khoan nợ, giãn nợ, giảm lãi suất trong điều kiện có thể để giúp chúng tôi vượt qua cơn khó khăn này.
Trăn trở, lo lắng của chị Hằng, anh Hùng cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trước thực trạng trên, nhằm "gỡ khó" cho ngành Chăn nuôi, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách và lâu dài để ổn định phát triển chăn nuôi. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Thời điểm này, chúng tôi đang phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt và cung cấp thông tin về giá thịt lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ tới người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường giám sát việc tiêm phòng vắc xin, phun khử trùng tiêu độc để phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi giảm đàn, duy trì ổn định đàn nái chất lượng để phục hồi sản xuất.
Còn ông Phan Bội Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài chính thì khẳng định: Trong thời gian tới, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi kê khai giá bán với cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời niêm yết giá công khai tại các điểm bán hàng để người dân được biết. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, thực hiện giảm giá bán từ 7-10% và tiếp tục cho người chăn nuôi ứng vốn bằng thức ăn chăn nuôi.
Trong bối cảnh hiện nay, người chăn nuôi gặp khó kéo theo hệ lụy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng bị tụt giảm sản lượng tiêu thụ. Để góp phần chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, hầu hết các Công ty đều đã giảm giá bán. Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng (T.X Phổ Yên) cho biết: Việc giá thịt lợn giảm cũng khiến việc sản xuất, kinh doanh cám của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn cám các loại nhưng hiện nay con số này đã giảm khoảng 20%. Trước thực trạng giá thịt lợn giảm sâu, từ cuối tháng 4, chúng tôi đã đồng loạt giảm 10 nghìn đồng/bao cám đối với tất cả các dòng sản phẩm, ước tính mỗi tháng Công ty phải bỏ ra trên 500 triệu đồng để chung tay với người chăn nuôi. Còn ông Tô Văn Mẫn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet thì cho biết: Trong đợt này, Công ty bỏ ra gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể: Hỗ trợ trực tiếp cho các đại lý kinh doanh sản phẩm cám của Công ty và các gia trại, trang trại chăn nuôi từ 30-35 nghìn đồng/bao cám. Ngoài ra, trong mỗi bao cám, Công ty còn khuyến mại kèm theo 1 gói men với tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng của vật nuôi.
Trao đổi với chúng tôi về nội dung giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Theo thống kê, Ngân hàng hiện có trên 14 nghìn khách hàng vay lĩnh vực chăn nuôi với tổng dư nợ 1.200 tỷ đồng. Trước khó khăn của người chăn nuôi, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho người dân vay để duy trì đàn lợn nếu có phương án khả thi. Về thủ tục vay cũng dễ dàng hơn, đối với các hộ nuôi gia trại được vay tối đa 100 triệu đồng và các trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng mà không cần thế chấp tài sản. Đối với khách hàng khó khăn, chúng tôi sẽ thu nợ gốc trước, thu lãi sau. Đồng thời, gia hạn, điều chỉnh lại kỳ hạn nợ và giảm lãi suất cho vay.
Có thể thấy, việc chung tay “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn hiện nay là rất cấp thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, tránh gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh cần có quy hoạch ngành chăn nuôi lợn gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.