Tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản

15:31, 05/05/2017

Khoảng 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, năm 2016, diện tích mặt nước đưa vào sản xuất là 5.841ha, tăng gần 2.000ha; sản lượng đạt gần 9.400 tấn, tăng khoảng 40% so với 6 năm trước.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với 7.155ha diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng, trong đó có 2.140ha ao, 4.015ha hồ chứa và khoảng 1.000ha ruộng kết hợp cấy lúa với nuôi thủy sản; 12.000ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách…, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi thủy sản. Tuy nhiên, 5 năm trước, ngành Chăn nuôi thủy sản chưa được quan tâm. Bà con chủ yếu chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa sản xuất thành hàng hóa. Do đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân phát triển chăn nuôi thủy sản như: xây dựng các mô hình khuyến ngư; hỗ trợ mạng lưới ương nuôi cá giống; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thâm canh sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa, các sông suối và kinh phí thực hiện chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản...

 

Riêng năm 2017, tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các địa phương phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí mua đàn cá giống bố mẹ chất lượng cao (cá chép, rô phi) cho các trại sản xuất giống thuộc Trung tâm Giống thủy sản. Từ đó sẽ góp phần sản xuất, cung ứng cho thị trường giống thủy sản chất lượng tốt gồm 500 triệu con cá bột, 55 triệu cá giống các loại; xây dựng được mạng lưới ương, nuôi, dịch vụ giống thủy sản; nâng cao chất lượng đàn cá bố, mẹ để sản xuất con giống. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn phương pháp quan trắc môi trường dịch bệnh và quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức lấy mẫu, phân tích các nội dung liên quan đến quan trắc và cảnh báo môi trường dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức tập huấn, tuyên truyền, thả cá bảo vệ tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

 

Theo ông Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các cơ chế, chính sách của tỉnh đã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản. Đến nay, diện tích nuôi trồng các loài thủy sản cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, điêu hồng... và loài đặc sản ba ba, lươn, ếch, cá tầm… đã chiếm tới 30%... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có các cơ sở đầu tư nuôi cá tầm tại Đại Từ với sản lượng đạt khoảng 28 tấn/năm.

 

Cũng từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều diện tích mặt nước của các hồ chứa nước lớn, nhỏ trong tỉnh đã được đưa vào khai thác, phục vụ cho chăn nuôi thủy sản. Đơn cử như đối với diện tích mặt nước hồ Núi Cốc, trước đây hầu như bị bỏ ngỏ nhưng nay đã được khai thác, phát huy hiệu quả. Hai năm trở lại đây, mỗi năm, Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc đã thả xuống lòng hồ 10 tấn cá giống. Dù mới khai thác chọn lọc nhưng đã mang lại giá trị 400 - 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Xí nghiệp đã liên kết nuôi thả cá lồng trên lòng hồ. Hiện, mô hình liên kết đang chăn thả 70 lồng gồm các loài trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Thời gian tới, chương trình liên kết sẽ tiếp tục được mở rộng với quy mô hàng trăm lồng cá mới với các giống đa dạng hơn như cá chiên, cá lăng, cá nheo…

 

Thực tế cho thấy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi thủy sản phát triển. Do vậy, để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi thủy sản, cùng với việc duy trì các chính sách hỗ trợ hiện hành, thời gian tới, tỉnh nên có các chính sách giao khoán, cho thuê diện tích mặt nước phù hợp để có đủ thời gian đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; khuyến khích chuyển đổi những diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, tập trung vào các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản khác...