Là một trong ba phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động, thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, kinh tế nông thôn. Phong trào đã góp phần giảm nghèo, tăng số hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh.
Xác định việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của công tác Hội và phong trào nông dân, trong 5 năm qua (2012-2016), Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cả bề rộng và chiều sâu. Khi triển khai, phát động phong trào, các cấp Hội luôn chú trọng đến chất lượng và hiệu quả, từ việc vận động gia đình hội viên nông dân đăng ký tham gia thực hiện đến việc bình xét hộ đạt kinh doanh giỏi các cấp được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ.
Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ giúp nông dân thay đổi tư duy làm ăn, có kiến thức trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó ở các địa phương đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như: chăn nuôi gà thả đồi (Phú Bình), sản xuất chè hữu cơ, chè, rau an toàn (T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ), gạo Bao thai (Định Hóa). Nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cây bưởi Diễn, Cam Vinh (Võ Nhai), nấm ăn và nấm dược liệu (Phú Lương, Đại Từ), ngựa bạch, lợn nái ngoại (T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình)… Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như các hộ gia đình: bà Nguyễn Thị Cương, xã Lương Phú (Phú Bình), bà Lê Thị Hải, xã Động Đạt (Phú Lương), hay liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã như ở Na Mao (Đại Từ), Tân Khánh (Phú Bình)…
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hỗ trợ cho các hộ bằng cách phối hợp với ngân hàng và các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ để giải quyết nhu cầu về vốn, cung ứng vật tư, giống cây trồng theo phương thức trả chậm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thành lập được 848 tổ liên kết vay vốn, với 15.971 thành viên, dư nợ cho vay trên 1.192 tỷ đồng; uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với 954 tổ tiết kiệm vay vốn, cho 27.783 hộ gia đình vay, dư nợ trên 806 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh có trên 23 tỷ đồng cho gần 800 hộ dân vay tại 65 dự án. Các cấp Hội Nông dân cũng phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp tỉnh cung ứng hàng trăm nghìn tấn phân bón các loại.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy các hộ nông dân mạnh dạn thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, góp phần đổi mới hợp tác xã nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, thực hiện tốt liên kết “4 nhà”. Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới được 171 mô hình kinh tế tập thể, 80 mô hình cấp huyện, 451 mô hình cấp xã; thành lập 75 hợp tác xã, 105 tổ hợp tác về cung cấp dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân hiệu quả.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngừng tìm tòi, cải tiến kỹ thuật, quyết tâm đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Điển hình như: gia đình chị Lê Thị Anh, xã Tân Đức (Phú Bình) đã cải tiến phương pháp làm chuồng úm gà bằng củi; gia đình ông Phạm Văn Giản, xã Lâu Thượng đã đưa cây Cam Vinh về trồng trên đất Võ Nhai; gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã Động Đạt (Phú Lương) với mô hình chăn nuôi lợn hiện đại, sử dụng hệ thống làm mát, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường; gia đình ông Trương Quốc Hoàn, xã Kha Sơn (Phú Bình) tự nhân giống nấm Linh Chi trong môi trường tự nhiên gia đình ông Trần Văn Lưu, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) đã sáng chế ra động cơ sức gió hiệu suất cao kết hợp pin mặt trời để chạy máy bơm nước… Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã trở thành những "hạt nhân" tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Giai đoạn 2012-2016, có 372.228 lượt hộ đăng ký thực hiện phong trào, qua bình xét có trên 45.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trên 15.630 lượt hộ nghèo được giúp đỡ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên.
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phong trào đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội./.