Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ khi Kha Sơn (Phú Bình) được chọn là an toàn khu thứ 2 (ATK2), nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền nhân dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống thêm ấm no, ngày càng phát triển.
Ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết: Xã chúng tôi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có những đóng góp trong các cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong những năm 1940-1945, Kha Sơn được chọn là nơi tổ chức, bồi dưỡng, huấn luyện, truyền đạt Nghị quyết Trung ương và in ấn tài liệu, nơi che giấu, bảo vệ các cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước ta. Từ đây, chi bộ đầu tiên của huyện Phú Bình đã ra đời, góp phần lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, đưa Kha Sơn trở thành xã đầu tiên của tỉnh và là một trong những địa phương trong cả nước sớm giành được chính quyền cách mạng. Ngày nay, tiếp nối truyền thống hào hùng vẻ vang đó, toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Kha Sơn luôn đoàn kết, thi đua xây dựng quê hương, giúp nhau phát triển kinh tế.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa những cây, con có năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp lên trên 60%... Nhờ đó mà hằng năm, tỷ lệ lúa lai được gieo trồng chiếm từ 20–30% diện tích; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất canh tác năm 2016 đạt 85–86 triệu đồng (tăng khoảng 30 triệu đồng so với năm 2010).
Cùng với việc quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, xã cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề phụ. Với việc làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân bàn giao đất đúng tiến độ, trên địa bàn xã đã sớm hình thành cụm công nghiệp Kha Sơn, thu hút một doanh nghiệp lớn của tỉnh đến đầu tư, góp phần giải quyết một phần lao động tại địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế của xã. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lâm với hàng chục hộ gia đình chuyên gia công đồ gỗ và trên 10 xưởng sản xuất quy mô lớn; xã có trên 170 hộ kinh doanh, buôn bán, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chính vì thế mà thu nhập của người dân cũng dần tăng lên qua các năm, đến nay đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 7%.
Đời sống ổn định, người dân đã tích cực hơn trong các phong trào chung của địa phương, nhất là hưởng ứng nhiệt tình phong trào XDNTM. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong vòng hơn 5 năm qua, tổng nguồn vốn mà xã Kha Sơn đã huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là trên 28 tỷ đồng. Đường giao thông, trạm y tế, trường học… được xây dựng khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, Kha Sơn đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới, 4 tiêu chí còn lại là: Văn hóa, môi trường, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Trong năm nay, xã đặt mục tiêu hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa, 2 tiêu chí còn lại sẽ phấn đấu hoàn thiện trong năm sau để xã sẽ cán đích vào năm 2018 (sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra ban đầu).