Canh tác lúa hữu cơ - Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

16:45, 16/06/2017

Nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vụ mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Phú Bình và Công ty Quế Lâm Phương Bắc thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức. Mô hình này mở ra một hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian qua, tình trạng bà con nông dân sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV tràn lan để nâng cao năng suất lúa, phòng trừ sâu bệnh gây hại diễn ra khá phổ biến. Việc làm này không chỉ lãng phí mà về lâu dài còn gây nên sự suy thoái của đất, tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch hại bùng phát khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, từ vụ mùa năm nay, chúng tôi phối hợp tổ chức mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức với quy mô 20ha, có 120 hộ nông dân ở 3 xóm (Ngoài, Lềnh và xóm Trại Vàng) tham gia. Để từng bước giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, trước khi thực hiện mô hình, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Quế Lâm Phương Bắc (ở tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức cho một số hộ nông dân sản xuất đầu mối ở xã Tân Đức đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Vĩnh Phúc. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật sản xuất lúatheo hướng hữu cơ, như: lựa chọn vùng sản xuất, tạo vùng đệm cách ly; quản lý đất và đầu vào cho đất; quản lý cỏ dại, sâu bệnh; cách lựa chọn vật tư đầu vào theo tiêu chuẩn hữu cơ...

 

Thời gian qua, mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ đã được nhiều địa phương trong cả nước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thì đây là mô hình đầu tiên. Do bà con nông dân đã quen với tập quán sử dụng phân vô cơ để bón cho lúa nên việc chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ khiến nhiều người còn băn khoăn. Bà Dương Thị Hà, ở xóm Ngoài cho biết: Quanh năm gắn bó với đồng ruộng, 1 vụ gánh trên vai không biết bao nhiêu bình thuốc trừ sâu rồi thuốc diệt cỏ, chúng tôi cũng rất lo ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường.

 

Được tiếp cận cách làm mới, chúng tôi rất hào hứng tham gia. Còn bà Vũ Thị Hoan, ở xóm Trại Vàng cho hay: Sau khi được tập huấn, tôi đã hiểu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và các biện pháp khác; đồng thời, giảm tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hoá học trên cây lúa nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ngoài ra, trong quá trình canh tác hữu cơ, đòi hỏi nông dân chúng tôi phải ghi chép đầy đủ các vật tư đầu vào, các biện pháp tác động và xử lý trong quá trình canh tác.

 

Nói về lợi ích của phương thức canh tác lúa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) cho biết: Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thỗ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái. Để có các sản phẩm nông nghiệp sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, việc thay đổi thói quen canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV của bà con là rất quan trọng. Do đó, trong giai đoạn đầu sản xuất, bà con cần giảm 50% lượng phân bón vô cơ, thay bằng phân hữu cơ, dần dần tiến tới thay thế các loại phân bón hóa học và thuốc hóa học BVTV bằng phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học BVTV. Sau khi thu hoạch sản phẩm, Công ty sẽ hỗ trợ tiêu thụ 50% lượng sản phẩm làm ra của bà con với giá thỏa thuận.

 

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn hướng đến tiêu chí sản xuất an toàn, quan tâm đến sức khỏe người nông dân và đảm bảo thân thiện với môi trường sinh thái. Ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Chúng tôi rất kỳ vọng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ giúp bà con nông dân làm quen với kỹ thuật canh tác mới, an toàn với người sản xuất, người sử dụng, đồng thời tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 

Có thể thấy, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới là hướng đi đúng đắn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cho sản xuất các sản phẩm hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.