Dư nợ cho vay khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh

14:41, 18/06/2017

Tính đến cuối tháng 5, tổng dư nợ cho vay của 26 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 41.355 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2016. So với mức tăng trưởng toàn ngành là 6,63%, thì dư nợ của tỉnh tăng thấp hơn, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016, thì dư nợ cho vay những tháng đầu năm nay của tỉnh được đánh giá là cao và khả quan.

Tuy nhiên, trong số 26 tổ chức tín dụng trên địa bàn thì mức tăng trưởng dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động lại có sự chênh lệch nhau khá lớn. Trong khi các ngân hàng TMCP nhà nước đều có mức tăng khá đáng kể thì nhiều ngân  hàng cổ phần đại chúng lại có mức tăng thấp, thậm chí một số còn có mức tăng trưởng âm so với cuối năm 2016.

 

Điển hình cho sự tăng trưởng cao cả về dư nợ cho vay và huy động vốn phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Thái Nguyên với mức tăng 22,9% về nguồn vốn huy động và 25% về dư nợ cho vay; tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên tăng 18,5% về huy động vốn và 12,8% về dư nợ cho vay; Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Sông Công tăng 19,8% về huy động vốn, nhưng chỉ tăng 2,7% về dư nợ; BIDV Nam Thái Nguyên tăng 14,5% về dư nợ cho vay nhưng lại giảm 17% về huy động vốn.

 

Đặc biệt, đối với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên, mặc dù có nhiều khách hàng vay để chăn nuôi lợn gặp khó khăn về đầu ra, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 8,4% về nguồn vốn và 6,6% về dư nợ cho vay…

 

Theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tín dụng những tháng đầu năm tập trung tăng mạnh ở một số ngân hàng lớn, trong đó khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, thì khả năng đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 18% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra là hoàn toàn có thể.