Những ngày đầu tháng 6, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) có phần nhộn nhịp, sôi động hơn bởi không khí, tấp nập của người dân trên địa bàn huyện đổ về tham quan, mua sắm tại Chương trình đưa hàng Việt về miền núi do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện tổ chức. Chương trình hứa hẹn sẽ tạo được dấu ấn đối với người dân huyện miền núi Định Hóa, góp phần đưa hàng Việt ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.
Từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức được 33 Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các địa phương trong tỉnh với sự tham gia của trên 600 đơn vị, doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, năm 2017, Sở Công Thương sẽ tổ chức 4 Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các địa phương gồm: Thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) từ ngày 6 đến ngày 8-6; xã Vô Tranh (Phú Lương) từ ngày 10 đến ngày 12-6; xã Thượng Nung (Võ Nhai) từ ngày 14 đến ngày 16-6; xã Tân Khánh (Phú Bình) từ ngày 18 đến ngày 20-6. Trung bình mỗi Chương trình sẽ có từ 20-30 doanh nghiệp tham gia với khoảng 30-40 gian hàng tiêu chuẩn. |
Đúng 7 giờ 30 phút sáng 6-6, mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng đông đảo người dân vẫn tập trung về sân Nhà thiếu nhi huyện để dự Lễ khai mạc Chương trình đưa hàng Việt về miền núi lần đầu tiên được tổ chức tại thị trấn Chợ Chu - trung tâm của huyện. Tại đây, Ban Tổ chức cùng với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang hoàn tất các khâu để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và đón tiếp người dân đến tham quan, mua sắm.
Theo khảo sát của chúng tôi, Chương trình lần này đã thu hút sự tham gia của 26 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 36 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm, dệt may, da giầy, đồ gia dụng, thiết bị vệ sinh, hóa mỹ phẩm… Tất cả đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, phân phối. Nhìn chung, hàng hóa trưng bày tại Chương trình đều được người dân đánh giá cao về mẫu mã, chủng loại, giá cả và chất lượng. Đặc biệt, nhiều mặt hàng còn được khuyến mãi, giảm giá - điều mà người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội được tiếp cận. Chính về vậy, nhiều người đã không ngần ngại chi tiêu mạnh tay để mua sắm.
Đang mải mê ngắm các gian hàng, bà Ma Thị Khánh, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường cho biết: Mấy ngày trước, tôi nghe loa truyền thanh của xóm thông báo mùng 6, Chương trình đưa hàng Việt về miền núi sẽ được tổ chức tại trung tâm huyện gia đình tôi đến đây từ 7 giờ sáng để tham quan và mua sắm. Tôi thấy mặt hàng nào cũng đẹp, giá cả phải chăng nên rất hài lòng. Còn ông Trần Văn Tuấn, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu thì chia sẻ: Chưa bao giờ tôi thấy nhiều hàng hóa Việt Nam đến thế, các mặt hàng đều rất phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân. Tranh thủ cơ hội này, tôi đã mua một số đồ gia dụng và quần áo cho cả gia đình. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều Chương trình như thế này được tổ chức tại địa phương để chúng tôi có cơ hội mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó cũng biết cách nhận biết hàng Việt chính hãng, phân biệt với các loại hàng hoá kém chất lượng, phẩm cấp thấp.
Càng về trưa càng đông người dân tranh thủ đến tham quan, mua sắm. Ngoài các gian hàng bán quần áo, đồ gia dụng thiết yếu thì khu vực bày bán cây giống của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân (T.P Thái Nguyên) cũng được nhiều người quan tâm. Anh Dương Văn Đại, xóm Khẩu Hấu, xã Trung Lương cho biết: Ở đây có rất nhiều các giống cây trồng mới mà địa phương không có, tôi đang tìm hiểu và muốn mua một vài cây về trồng. Tôi cảm thấy khá yên tâm vì giống cây được sản xuất bởi một đơn vị có uy tín, lại được các kỹ sư tư vấn tỉ mỉ về cách trồng và chăm sóc…
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm, các đơn vị tham gia Chương trình đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Dù lần đầu tiên tham gia chương trình nhưng Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Dũng Thảo (T.P Thái Nguyên) đã trưng bày gian hàng và quảng bá khá chuyên nghiệp, bài bản. Anh Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty thông tin: Qua chương trình, chúng tôi hy vọng các sản phẩm thiết bị vệ sinh của công ty sẽ đến với nhiều khách hàng khu vực miền núi hơn. Đây là một dịp tốt để công tôi mở rộng, khai thác thị trường này. Sau Chương trình, chúng tôi có kế hoạch sẽ mở thêm một vài đại lý phân phối sản phẩm tại trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phục vụ bà con thường xuyên hơn…
Ngoài một số đơn vị mới, Chương trình lần này còn thu hút được những “tên tuổi” đã khá quen thuộc qua các lần tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trong tỉnh như: Công ty CP dịch vụ và thương mại Minh Cầu; Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Chi nhánh Thái Nguyên; Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang; Công ty cổ phần Thương mại & Thiết bị y tế Hà Tuyên… Tham gia Chương trình là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng miền núi để từ đó hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia đều không đặt nặng về vấn đề doanh thu mà xem đây là dịp để góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và chia sẻ những khó khăn với người dân miền núi. Với mục đích đó, ngay tại Lễ khai mạc Chương trình, các doanh nghiệp đã dành tặng 150 suất quà với tổng trị giá trên 42 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. `
Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết:Chương trình đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Định Hóa sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6 đến hết ngày 8-6). Để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi đã lựa chọn và mời những đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài tỉnh đăng ký. Trước khi tham gia, các doanh nghiệp đều đã có sự chuẩn bị chu đáo về số lượng, chất lượng sản phẩm và công tác quảng bá nhằm thu hút đông đảo khách hàng; đồng thời, cam kết bán sản phẩm được sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá bán thấp hơn hoặc bằng giá thị trường cùng thời điểm và phải niêm yết giá công khai…