Duy trì sản xuất nông nghiệp

11:20, 07/06/2017

Những ngày qua, thời tiết liên tục nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao điểm lên đến 40 độ C. Đây cũng là thời điểm bà con trong tỉnh đang tập trung thu hoạch rộ lúa xuân và gieo mạ chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Không để thời tiết làm ảnh hưởng đến mùa vụ, bà con đã chủ động nhiều biện pháp để tránh nắng nóng, duy trì sản xuất và bảo vệ đàn vật nuôi.  

Đến cánh đồng xóm 7, xã Phú Xuyên (Đại Từ) những ngày này, chúng tôi bắt gặp khung cảnh bà con đang khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Thời tiết nắng nóng làm cho khuôn mặt những người nông dân thêm đen sạm, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Lương Thị Thịnh, một hộ dân trong xóm chia sẻ: Năm nay, nhà tôi cấy 7 sào lúa xuân. Con cái đi làm ăn xa hết nên chỉ còn 2 vợ chồng tôi ở nhà làm ruộng. Mấy ngày qua, trời nóng như đổ lửa, nhà tôi tranh thủ đi gặt từ 4 giờ sáng đến tầm 9 giờ là thu lúa đem về nhà thuê tuốt với giá 50 nghìn đồng/sào. Nếu thuê máy gặt đập liên hoàn thì chỉ việc chở thóc về phơi nhưng phải mất 150 nghìn đồng/sào. Lấy công làm lãi, tranh thủ còn sức khỏe, vợ chồng tôi gặt tay và chỉ thuê tuốt để giảm bớt chi phí. Để giải nhiệt, ở đầu bờ ruộng, tôi đã chuẩn bị sẵn 1 bình nước đường chanh pha đá, hễ khát là lên bờ uống.

 

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, bà con nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 80% diện tích lúa xuân (30.281ha). Do thời điểm chuyển giao giữa vụ xuân và vụ mùa diễn ra rất nhanh nên để đảm bảo theo đúng khung thời, bà con cần thực hiện theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín trên 80% để phòng tránh mưa bão. Chi cục cũng đã khuyến cáo bà con nên thu hoạch vào thời điểm trời mát nhất trong ngày như sáng sớm hoặc chiều tối. Sau khi thu hoạch xong, bà con bắt tay và làm đất ngay để kịp sản xuất vụ mùa.

 

Đối với những người nông dân quanh năm gắn bó với cây chè, bà con cũng tìm các biện pháp chống nắng để đảm bảo sức khỏe, cung cấp ra thị trường những mẻ chè thơm ngon, ngát hương. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở xóm Kẹm, xã La Bằng  (Đại Từ) cho biết: Gia đình tôi sinh sống chủ yếu dựa vào 10 sào chè, khoảng 35-40 ngày cho thu hoạch 1 lứa. Lứa nọ gối lứa kia cho thu hái quanh năm. Cây chè đến lứa thu hoạch không thể không hái. Vì nếu để quá vài ngày, búp chè sẽ bị ra lá ban, không năng suất mà chè cũng không được ngon. Vì thế, bất kể trời nắng gắt, chúng tôi vẫn phải lên nương thu hái. Để chống nắng, chúng tôi bảo nhau cắm 1 chiếc ô và căng miếng vải rộng tầm 4m2 để che nắng. Thu hái đến đâu, chúng tôi che ô đến đó, cũng đỡ được phần nào ánh nắng chiếu trực tiếp. Khoảng 4, 5h, trời tờ mờ sáng chúng tôi đã lên nương và đến tầm 10h là về nghỉ, tranh thủ sao chè buổi trưa vì buổi tối mùa nóng thường hay bị mất điện. Buổi chiều thì tầm 16, 17h mới bắt đầu đi và hái đến khi nào trời tối không thể nhìn thấy búp chè nữa chúng tôi mới ra về. Trời nắng gắt, thu hoạch tuy vất vả nhưng búp chè không bị ướt hơi nước, sao cũng nhanh khô hơn và có màu xanh đẹp mắt.

 

Cùng với các biện pháp đảm bảo duy trì ổn định sản xuất, bà con nông dân trong tỉnh cũng đặt biệt quan tâm đến công tác chống nóng cho đàn vật nuôi. Ông Phạm Văn Thư, ở xóm Chảy, xã Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Những ngày nắng nóng, đàn lợn 50 con của gia đình tôi thường xuyên được uống nước, tắm mát đầy đủ. Ngoài ra, được cán bộ thú y khuyến cáo, máng ăn, máng uống tôi cũng cọ rửa hàng ngày và định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại. Trong những ngày nắng gay gắt, gia đình tôi phun nước lên mái chuồng và phun sương trong chuồng để hạ bớt nhiệt độ.

 

Nói về các biện pháp phòng chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn vật nuôi, anh Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương cho biết: Từ đầu tháng 6, chúng tôi đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn các hộ dân các biện pháp chống nóng cho vật nuôi. Cụ thể như: Đối với các hộ chăn nuôi lợn cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy trình chăn nuôi để tăng khả năng miễn dịch phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cùng với đó, dùng quạt hoặc hệ thống phun nước làm mát không khí trên mái, trong chuồng. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm cần tăng quạt gió, làm mát chuồng nuôi; đồng thời, cung cấp đủ nước sạch, thức ăn giàu năng lượng, vitamin và bổ sung các chất điện giải, phòng chống bệnh hô hấp và tiêu chảy cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, đối với đàn gà đẻ sẽ dễ bị chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên bà con cần giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, tăng cường cho ăn thêm rau xanh, bổ sung thêm canxi. Đối với đàn trâu, bò cày, kéo không cho làm việc ngoài đồng vào lúc nhiệt độ ngoài trời cao trên 370C, cho nghỉ ngơi ở những nơi có cây xanh bóng mát và thường xuyên tắm cho trâu, bò 1-2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể. Cùng với đó, bà con cần bổ sung các vitamin, khoáng chất trộn vào thức ăn, nước uống hàng ngày nhằm tăng sức đề kháng (đặc biệt là Vitamin C) cho đàn vật nuôi, thường xuyên theo dõi dịch bệnh phát sinh trong quá trình chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ vẫn còn tiếp diễn trong mùa hè này. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra, bà con nông dân cần chủ động theo dõi thông tin tình hình thời tiết để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp, đảm bảo sản xuất theo đúng khung thời vụ, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định.