Giá điện và tỷ giá sẽ tác động thế nào đến lạm phát năm 2017?

07:48, 12/06/2017

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), từ nay đến cuối năm 2017, lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định.

Do đó, Ủy ban này cho rằng, nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát năm 2017 khoảng 2,6% và lạm phát bình quân 2,65%.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương với mức điều chỉnh bằng nửa của năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8-2 điểm %; Nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %; Nếu giá điện tăng 8-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm %.

 

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, những tháng còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Đáng chú ý là cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư năm 2016 sang thậm hụt ở mức dự báo khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Về dài hạn, Ủy ban này nhận định: Với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Thêm vào đó là biến động khó lường của đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến VND.

 

NFSC: Nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %.

 

Liên quan đến chính sách tỷ giá, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới cho biết, đầu năm nay, mục tiêu lạm phát bình quân được đặt ra là 4%. Với mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giải pháp chính sách vào ưu tiên kiểm soát lạm phát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để kiểm soát lạm phát. Thực tế lạm phát của 5 tháng đầu năm 2017 (bình quân 4,47%) diễn biến theo hướng tích cực, đi đúng vào các giải pháp điều hành của Chính phủ, NHNN cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành.

 

Bà Hồng cũng cho biết, NHNN cũng vẫn theo dõi rất sát diễn biến về thị trường ngoại hối trên thế giới và trong nước để công bố tỷ giá trung tâm USD/VND hằng ngày một cách phù hợp, bảo đảm phù hợp mục tiêu của chính sách tiền tệ.

 

Bên cạnh đó, việc điều tiết kết hợp với chính sách lãi suất và tỷ giá trên thị trường tiền đồng cũng giúp cho thị trường ngoại hối, tỷ giá khá ổn định. Tính đến hết tháng 5/2017, tỷ giá trung tâm tăng hơn 1% so với đầu năm 2016.

 

Nhìn lại CPI 5 tháng đầu năm cho thấy, CPI tháng 5 đã giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,19% so với cùng kỳ và tăng 0,37% so với đầu năm.

 

Như vậy, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tháng 5 giảm so với tháng 4 chủ yếu do giá thực phẩm và giá xăng giảm; đồng thời lạm phát giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã liên tục giảm kể từ đầu năm.

 

Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn được duy trì ở mức khá thấp, chỉ tăng 1,33% so với cùng kỳ.

 

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy thành phần mùa vụ và chu kỳ cũng như chu kỳ đều xu hướng giảm. Hai yếu tố này đóng góp lần lượt mức giảm 0,14 và 0,13 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 5.

 

Song Ủy ban này cho rằng, nhìn trong xu hướng dài hạn của lạm phát đang tiếp tục tăng. Tại thời điểm tháng 5/2017, xu hướng lạm phát dài hạn cao hơn khoảng 0,96 điểm % so với tháng 5/2016./.