Vấn đề xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi một quy trình quản lý, xử lý riêng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân. Mỗi người dân, tổ chức cũng cần phải nâng cao ý thức, thực hiện tốt vai trò là một mắt xích trong quy trình quản lý, xử lý bao bì thuốc BVTV.
“Nghìn lẻ một” lý do
Cần chung tay bảo vệ môi trường
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe con người, nếu đốt ở nhiệt độ thấp sẽ phát thải khí điôxin (chất gây ung thư), nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, gây độc hại lớn đến hệ sinh thái. Chính vì vậy, bao bì thuốc BVTV phải được thu gom, xử lý và tiêu hủy đúng quy trình với nhiệt độ cao tại những lò đạt tiêu chuẩn tại các đơn vị được cấp phép xử lý. Việc này đòi hỏi kinh phí lớn, khó có thể thực hiện được. Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chỉ có hai đơn vị có năng lực xử lý đối với các loại bao bì chứa hóa chất BVTV được cấp phép hoạt động đó là: Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng, ở xóm Quyết Tiến 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) và Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới, ở xóm 2, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên). Hai đơn vị này đều được phê duyệt khối lượng xử lý đối với nhóm chất thải vỏ bao bì thuốc BVTV là 7,2 tấn/năm, hình thức xử lý là đưa vào lò đốt. Tuy nhiên, theo thông tin từ hai doanh nghiệp này thì cho đến nay, cả hai đơn vị đều chưa thực hiện hợp đồng tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV với bất cứ cơ quan, đơn vị nào trong tỉnh. Điều này đồng nghĩa, toàn bộ lương vỏ bao bì thuốc thải ra trên địa bàn đều chưa được xử lý đúng cách mà người dân tự xử lý bằng biện pháp thủ công.
Nguyên nhân được ông Chu Tất Lợi, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đại Từ đưa ra là: Do không có kinh phí, nên việc xử lý số chất thải này vẫn đang bế tắc. Hiện nay, các bể chứa trên địa bàn huyện Đại Từ đều trong tình trạng đầy, ước tính trung bình mỗi bể chứa được khoảng 20-30kg rác thải, như vậy hiện nay trên địa bàn huyện Đại Từ đang tồn khoảng 30 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được xử lý tại 991 bể chứa.
Về phía chính quyền cấp xã, ông Bùi Quang Nguyên, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) lại có ý kiến: Từ trước tới nay, chưa có đơn vị nào thực hiện hướng dẫn về thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV, địa phương cũng không có kinh phí để xây bể chứa, nên chỉ biết tuyên truyền cho người dân sau khi sử dụng thuốc không vứt bao bì bừa bãi mà để gọn vào các điểm vứt rác. Thế nhưng, vỏ thuốc BVTV có được thu gom hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức người sử dụng, chúng tôi không thể đi kiểm tra xem ai vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Mà có kiểm tra thì cũng không có chế tài xử lý nên đành trông chờ vào ý thức người dân.
Chưa có biện pháp quản lý, chưa có cơ sở thu gom xử lý, không có kinh phí xử lý, nhận thức của nông dân còn khá hạn chế... đó là những lý do mà các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở vẫn đưa ra để giải thích cho tình trạng bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi đang diễn ra ở tỉnh ta. Và như thế, quả bóng trách nhiệm vẫn đang được đá qua đá lại.
Tìm hướng xử lý
Để giải quyết tận gốc vấn đề chất thải vỏ chai, lọ bao bì thuốc BVTV, phải có một quy trình về quản lý, xử lý. Trong đó, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật từ thu gom, bao gói, vận chuyển, và đưa đi xử lý. Theo chúng tôi được biết, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Dự án “Xây dựng mô hình quản lý thí điểm chất thải chứa hóa chất BVTV ở một số xã chuyên canh chè, lúa và rau trên địa bàn tỉnh”. Theo Dự án, các địa phương tham gia sẽ được hỗ trợ, đầu tư xây dựng, lắp đặt, bổ sung trang thiết bị thu gom, vận chuyển, lưu chứa chất thải chứa hóa chất BVTV. Hiện tại, các địa phương đã được bàn giao đầy đủ trang thiết bị, đồng thời xây dựng 10/15 nhà lưu chứa vỏ bao bì hóa chất BVTV, còn 5 nhà đang tiển khai xây dựng. Việc thu gom, lưu chứa, vận chuyển, xử lý được thực hiện theo các bước: Thu gom chất thải chứa hóa chất BVTV trên các cánh đồng vào bể chứa đã được lắp đặt tại chỗ, sau một thời gian nhất định sẽ tiếp tục vận chuyển từ các bể chứa về nhà lưu chứa. Tiếp đó, chất thải sẽ được vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy tại các đơn vị xử lý được cấp phép. Ngoài việc được hỗ trợ, người dân vùng Dự án còn được tập huấn, tuyên truyền về quản lý chất thải chứa hóa chất BVTV.
Tại xã La Bằng (Đại Từ) - một trong những địa phương được hưởng lợi từ Dự án đã hoàn thành xong việc đặt bể. Đi dọc con đường men theo dòng suối Kẹm, chúng tôi thấy, cứ cách khoảng 200m lại có một bể chứa được đặt ngay bên đường, dưới chân các đồi chè. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, chúng tôi cũng xây dựng 53 bể chứa bao bì thuốc BVTV nhưng không có nắp đậy nên không đảm bảo cách ly chất thải với môi trường xung quanh. Nay được Dự án hỗ trợ 200 chiếc bể đảm bảo tiêu chuẩn, nên xã đã thay thế toàn bộ số bể cũ. Hiện tại, xã đã đặt bể xong, phục vụ tốt việc thu gom bao bì thuốc. Nhà lưu chứa cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến tháng 6 sẽ hoàn thành để bể nào đầy sẽ gom về nhà lưu chứa chờ xử lý. Tuy Dự án mới bắt đầu được thực hiện, chưa qua kiểm nghiệm thực tế, nhưng với cách thức như vậy, sẽ đáp ứng đủ yêu cầu về quản lý, xử lý đối với chất thải nguy hại. Dự án hứa hẹn sẽ là lời giải cho bài toán về quản lý, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV vốn đang bế tắc nhiều năm nay, từng bước đưa hoạt động thu gom, xử lý loại chất thải này vào quy củ.
Cần cộng đồng trách nhiệm
Việc đưa ra một quy trình cụ thể về quản lý vỏ thuốc BVTV là một việc làm không khó, tuy nhiên để thực hiện tốt các bước của quy trình đó mới là khó khăn, cần có sự chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự chung tay của nhân dân. Đặc biệt, các đơn vị chức năng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Các huyện, thành phố, thị xã tổ chức, hướng dẫn người dân thu gom và quản lý bao gói thuốc BVTV vật sau sử dụng trên địa bàn, quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc sau khi sử dụng. Việc bố trí điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa tại các địa phương phải bảo đảm yêu cầu, triển khai xây dựng khu vực lưu chứa theo đúng quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thu gom vào bể chứa. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật. Hằng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý để có kế hoạch xử lý sát với thực tế. Quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý, xử lý bao bì thuốc BVTV nói riêng.