Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn Phú Bình đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực, thúc đẩy hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế nông thôn. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hội Nông dân huyện Phú Bình hiện có 21 cơ sở Hội, 316 chi hội với trên 23.000 hội viên. Để phong trào thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi và hiệu quả, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong 5 năm (từ 2012-2016), tỷ lệ hộ nông dân đăng ký thực hiện và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm sau đều cao hơn năm trước. Kết quả giai đoạn 2012-2106, toàn huyện có 33.693 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp huyện có 2.197 lượt hộ, cấp tỉnh 248 lượt hộ, cấp trung ương 37 hộ.
Cùng với đó, nhằm giúp các hội viên nông dân thực hiện phong trào hiệu quả, các cấp Hội đã bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từng địa bàn cơ sở, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. 5 năm qua, Hội Nông dân đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật cho gần 100.000 lượt hội viên, nông dân; phối hợp mở 38 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.140 lao động nông thôn; tư vấn, giới thiệu trên 1.000 người có việc làm phù hợp; tổ chức 19 hội thảo về ô mẫu lúa, ngô, gà thả đồi, phân bón mới… cho gần 3.000 hội viên; cung ứng trên 10.000 tấn phân bón, 100 tấn giống cây trồng các loại cho hội viên, nông dân đầu tư sản xuất.
Để hỗ trợ hội viên, nông dân vốn đầu tư sản xuất, Hội đã nhận ủy thác với các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ đến nay gần 400 triệu đồng cho trên 6.000 hộ được vay thông qua 259 tổ vay vốn. Hội cũng đã đã phối hợp cung ứng được 76 máy cày cho các hộ gia đình; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 18 câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác chăn nuôi; xây dựng 8 mô hình kinh tế tập thể, 25 mô hình dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Cũng từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, vượt khó vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Đơn cử như gia đình bà Đặng Thị Lan, Chi hội Nông dân xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt trước kia từng thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm đi làm thuê, làm mướn. Sau khi tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế do Hội Nông dân xã tổ chức, gia đình quyết định chọn nghề mộc làm hướng phát triển kinh tế, đồng thời vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư máy móc, thiết bị. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự quyết tâm của mình, nghề mộc đã giúp gia đình bà thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Hiện, cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ tại gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế, vợ chồng bà còn nhiệt tình hướng dẫn, đào tạo nghề cho nhiều lao động địa phương. Trong xã đã có 2 hộ mở cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ sau khi theo học nghề từ gia đình bà.
Ngoài gia đình bà Lan, trên địa bàn xã hiện có hàng trăm tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Điển hình như mô hình ấp nở gia cầm của gia đình hội viên Nguyễn Văn Đường, thị trấn Hương Sơn, hay như mô hình chế biến gỗ của ông Nguyễn Văn Việt, xã Thanh Ninh đều cho thu lãi trung bình mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, tạo việc làm từ 10 đến 15 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng… Thông qua phong trào cũng đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong nông dân. Có những sáng kiến có tính ứng dụng cao được chính hội viên, nông dân phát minh trong quá trình lao động, sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh như sáng kiến Úm gà bằng củi của bà Lê Thị Ánh, hội viên nông dân xã Tân Kim. Sáng kiến này đã từng đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8, năm 2015-2016 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Có thể nói, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo động lực, thúc đẩy nông dân hăng hái tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời khuyến khích, động viên nông dân đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, từ đó góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.