Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

15:05, 29/07/2017

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng trên địa bàn huyện luôn được bảo vệ, phát triển tốt.

Cùng chúng tôi đi kiểm tra diện tích keo lai mới trồng ở xã Tân Khánh, anh Nguyễn Văn Ninh, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Năm nay, xã trồng được 49,5ha rừng sản xuất, đạt 100% kế hoạch năm. Đặc thù địa hình của xã Tân Khánh nói riêng và huyện Phú Bình nói chung đa số là đồi bát úp, không có độ dốc lớn nên rất thuận lợi cho công tác trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch lâm sản. Trong quá trình trồng, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật về cách cuốc lấp hố, bón phân, mật độ, khoảng cách giữa các cây... Ngoài ra, trong những năm đầu, khi cây còn nhỏ, bà con có thể tận dụng diện tích đất để trồng sắn. Khi cây đã lên cao, bà con thường tận dụng nuôi gà thả đồi dưới tán rừng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích kinh tế của việc trồng rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình còn tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều năm gắn bó với nghề rừng, gia đình bà Nguyễn Thị Kích, ở xóm Đèo Khê luôn quan tâm chăm sóc cho diện tích keo nhanh lớn, đạt năng suất cao nhất. Trò chuyện với chúng tôi, bà Kích chia sẻ: Nhà tôi có 2ha rừng. Trước đây, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng đối với môi trường cũng như kinh tế nên chủ yếu chúng tôi trồng xong là bỏ đấy, không phát dọn, chăm sóc, để các loại cây, cỏ dại mọc um tùm. Giờ đây, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được cấp giống trồng rừng, bà con chúng tôi rất phấn khởi. Sau khi trồng, chúng tôi đi kiểm tra lại xem có cây nào chết để trồng bổ sung. Đến khi cây được 1 năm tuổi thì tiến hành tỉa cành, xới xáo, vun gốc và dọn dẹp cỏ dại để phòng cháy rừng. Sau một chu kỳ khoảng 7 năm là chúng tôi có một khoản tiền khoảng 70 triệu đồng/ha. Bà con chúng tôi bây giờ quý đất, quý rừng lắm, toàn xã không có diện tích đất đồi nào bị bỏ hoang cả. Đến kỳ thu hoạch, chúng tôi đều làm hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác.

 

Được biết, toàn huyện Phú Bình hiện có trên 6.200ha rừng sản xuất, tập trung ở các xã như: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Điềm Thụy, Bảo Lý, Bàn Đạt, Tân Khánh... Trong những năm qua, để công tác bảo vệ, phát triển rừng đạt được kết quả tốt, lực lượng Kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, chủ động nắm chắc thông tin kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đồng thời, tổ chức vận động các hộ dân sinh sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng; triển khai các bước về giao rừng, cho thuê rừng theo quy định để ổn định lâu dài cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng rừng. Qua đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ dân tham gia trồng và phát triển rừng.

 

Cùng với đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã bám sát cơ sở, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra những điểm có nguy cơ cháy cao, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh rừng sau khi khai thác và lưu ý trong việc đốt, dọn nương rẫy. Vì vậy, trong  nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện chưa có vụ cháy rừng nghiêm trọng nào xảy ra.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Trong những năm qua, Hạt vừa kết hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về bảo vệ rừng vừa hỗ trợ người dân phát triển các mô hình trồng rừng sản xuất, các mô hình kinh tế đồi rừng để bà con thực sự yên tâm gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, cũng tạo cơ sở để các lực lượng chức năng kiểm soát được tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ tài nguyên rừng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 350ha rừng, đạt 100% kế hoạch được giao. Cùng với đó, chúng tôi còn phối hợp với UBND các xã tổ chức được 13 buổi tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho 620 lượt người tham gia. Thông qua công tác nắm bắt thông tin, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu 6,8m3 gỗ quy tròn, xử phạt vi phạm hành chính 193 triệu đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 266 triệu đồng.

 

Khai thác, tiềm năng lợi thế từ rừng, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3 làng nghề mộc gồm: Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn và làng nghề Mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My. Các làng nghề cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ gỗ và lâm sản trên địa bàn đã phát huy thế mạnh sản xuất, chế biến, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác rừng trái phép, phát triển rừng trồng, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước và tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.