Cạnh tranh gay gắt trong dịch vụ lưu trú

07:54, 23/07/2017

Từ năm 2010 đến nay, số lượng khách sạn từ 3 -5 sao trên cả nước tăng gấp đôi cả về số cơ sở và buồng. Việc gia tăng các khách sạn cao cấp đã góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm các nước phát triển du lịch trong khu vực.

* Cạnh tranh với các xu hướng lưu trú mới

 

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy năm 2010 cả nước có 388 cơ sở lưu trú với 40.602 buồng, đến năm 2016 đã có 788 cơ sở lưu trú với 91.041 buồng. Theo kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2017 do Grant Thornton Việt Nam (thuộc Tập đoàn đa quốc gia Grant Thornton, hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn) thực hiện, năm 2016 đánh dấu một năm phục hồi đối với các khách sạn cao cấp khi công suất phòng tăng 5,6% so với năm 2015.

 

Mặc dù vậy, giá phòng bình quân của các khách sạn cao cấp vẫn chưa ổn định. Chẳng hạn, giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao tiếp tục giảm nhẹ 2,2% từ 106,8 USD năm 2015 xuống còn 104,4 USD vào năm 2016; khách sạn 4 sao giá phòng bình quân năm 2016 đạt 75 USD, tăng 3,8% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn mức giá năm 2014.

 

Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, công suất phòng tăng nhưng giá phòng khách sạn cao cấp chưa tăng cao vì các khách sạn cao cấp đang phải cạnh tranh về giá với các cơ sở lưu trú đang nổi như B&B (Bed and Breakfast), căn hộ cho thuê, homestay… Khách du lịch cá nhân, thương nhân là lượng khách chiếm thị phần khá cao trong cơ cấu khách của các khách sạn cao cấp. Tuy nhiên gần đây hai loại khách này có xu hướng lựa chọn những nơi có chỗ ăn, chỗ ngủ thân thiện với giá phải chăng.

 

Grant Thornton Việt Nam ghi nhận hiện cả nước có đến 6.500 cơ sở B&B, đây là loại hình cư trú mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. B&B thật ra là một ngôi nhà ở bình thường và có khoảng trên dưới 10 phòng, kinh doanh dịch vụ lưu trú; mọi thứ tại B&B gần giống khách sạn. Thêm vào đó, khách du lịch sẽ được gia chủ tự tay chuẩn bị bữa sáng, dọn phòng và hỏi thăm khách thích gì cho bữa tối hoặc bữa sáng hôm sau. Giá phòng trung bình của B&B tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 34 USD/đêm. Hay đối với loại hình homestay du khách có thể tự nấu nướng, thăm bạn bè hoặc đi tham quan ở các vùng xung quanh. Với những lợi thế như vậy, các loại hình lưu trú này đang thu hút ngày càng đông khách du lịch cá nhân.

 

Còn đối với khách du lịch là thương nhân, hiện nay cũng có nhiều loại hình lưu trú khác thu hút họ. Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý Khách sạn Odyssea quản lý thương hiệu khách sạn Liberty central cho biết: Loại hình căn hộ lưu trú (cerfitparterment) cũng đang chia thị phần của các khách sạn 4 sao và 5 sao. Khách hàng giờ đây chọn ở các căn hộ rất nhiều và đăng ký trực tiếp các căn hộ. Đó là lý do vì sao lượng khách tăng nhưng giá khách sạn 4 sao và 5 sao không tăng trong năm 2016. Không chỉ thuê các căn hộ để ở trong thời gian ở Việt Nam, gần đây thương nhân từ nước ngoài vào Việt Nam đầu tư đang có xu hướng tự xây các căn hộ để ở.

 

Ông Tony Chrisholm, Tổng quản lý Pullman Saigon Centre kiêm Quản lý khách sạn khu vực miền Nam của Tập đoàn Accor (Pháp) chia sẻ: Xu hướng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng tôi. Chẳng hạn tại một khách sạn mới mở của chúng tôi ở Hà Nội, có đến 50% khách đến từ nguồn của Tập đoàn Samsung. Do đó, nếu trong vòng từ 18 tháng đến 2 năm nữa họ lại có ý định tự xây các căn hộ cho nhân viên của họ lưu trú trong thời gian công tác tại Việt Nam thì việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế họ đã làm điều này ở một số nước.

 

* Hướng đến khách nội địa tiềm năng

 

Để nâng cao sức cạnh tranh, trong thời gian tới, các khách sạn cao cấp không ngừng đầu tư phát triển dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; đồng thời hướng đến thu hút khách du lịch trong nước. Chứng kiến sự gia tăng số lượng các cơ sở lưu trú trong năm 2016 và đầu năm 2017 nên các khách sạn cao cấp đã quyết định công nghệ số là yếu tố quan trọng trong kinh doanh của họ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sự khác biệt đối với các khách sạn khác trong thị trường. Cụ thể, theo Grant Thornton, tỉ lệ ứng dụng công nghệ số giữa các khách sạn đã có sự thay đổi không nhỏ, tăng từ 49,3% năm 2015 lên 67,3% năm 2016. Thêm vào đó 18,6 % số khách sạn đã quyết định áp dụng công nghệ trong năm nay hoặc năm sau. Tuy nhiên, những ứng dụng vẫn còn đơn giản như đặt phòng trên các trang mạng xã hội, quản lý thông tin khách hàng bằng điện thoại thông minh… “Trong 10 năm tới các khách sạn cao cấp ở Việt Nam có thể nắm bắt những công nghệ kỹ thuật số mới để phát triển các dịch vụ phục vụ khách lưu trú. Chẳng hạn, khách có thể sử dụng điện thoại thông minh của mình để thực hiện check in, mở cửa phòng, kéo rèm, bật ti vi…” – ông John Gardner, Giám đốc điều hành Khách sạn Caravelle Sài Gòn nhận định.

 

Nhiều năm trở lại đây tỉ trọng khách du lịch nội địa ở các khách sạn cao cấp có xu hướng tăng. Lãnh đạo nhiều khách sạn cao cấp nhận định, hiện nay khách du lịch trong nước luôn đứng trong Top 10 thị phần khách lưu trú của họ. Ông Tony Chrisholm chia sẻ thêm: Năm 2019 chúng tôi dự kiến tăng số khách sạn đang quản lý ở Việt Nam từ 26 lên 40 khách sạn. Đây là một con số lớn và chúng tôi cũng nhắm đến khách du lịch Việt Nam. Cách đây 15 năm khách nội địa lưu trú tại các khách sạn của chúng tôi chỉ chiếm khoảng 30% nhưng thời gian gần đây đối tượng này luôn nằm trong Top 3 trong tổng số khách lưu trú. Người Việt Nam ngày càng có thu nhập cao và muốn được sử dụng các khách sạn có chất lượng phục vụ tốt, cảnh quan đẹp cho những kỳ nghỉ dưỡng nên họ thường lựa chọn các khách sạn cao cấp hay các resort để lưu trú. Đây sẽ là đối tượng khách được quan tâm trong kế hoạch phát triển trong thời gian tới của chúng tôi./.