Chăn nuôi thỏ - hướng đi mới

07:40, 19/07/2017

Hơn 2 năm qua, nhờ đầu tư vào chăn nuôi thỏ, nhiều hộ dân ở  xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), Kim Sơn (Định Hóa) và Tân Linh (Đại Từ)… đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Thực tế này đã mở ra cho người nông dân hướng đi mới. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có sự định hướng để tránh rủi ro cho nông dân.

Anh Lê Minh Vượng, một hộ nuôi chăn nuôi thỏ ở xóm 7, xã Tân Linh (Đại Từ) cho hay: Qua hơn 1 năm chăn nuôi thỏ, tôi thấy loại vật nuôi này sinh sản rất nhanh. Tuổi sinh sản của thỏ chỉ mất từ 6 đến 7 tháng, thời gian mang thai từ 1 đến 1,5 tháng nên nếu tháng giêng thỏ mẹ đẻ thì tháng 7 cùng năm thỏ con sẽ đẻ và tháng giêng năm sau đời cháu sẽ đẻ. Trong khoảng 13 đến 14 tháng, cả ba thế hệ cùng có thể sản xuất ra thỏ con. Trung bình một con thỏ cái đẻ từ 6 đến 7 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 6 đến 7 con. Do thỏ sinh sản nhanh như vậy nên ban đầu tôi chỉ mua 30 con thỏ giống, đến nay, đã phát triển được 60 con thỏ giống và 150 con thỏ thương phẩm.

 

Không chỉ sinh sản nhanh, thỏ còn rất dễ nuôi. Ngoài việc sử dụng các loại rau cỏ, lá cây rẻ tiền hoặc tận dụng các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn như lúa, ngô, cám gạo, khoai lang… dễ kiếm để chăn nuôi thỏ, bà con còn mua cám công nghiệp về cho thỏ ăn. Anh Vượng cho biết thêm: Bằng phương thức chăn nuôi bán công nghiệp như vậy, sau ba tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt từ 2,1  đến 2,5 kg/con thì có thể xuất chuồng. Với giá bán 65 đến 70.000 đồng/kg, trừ các khoản chi một con thỏ thương phẩm cho thu lãi trên 60.000 đồng.

 

Một ưu điểm khi chăn nuôi thỏ là vốn đầu tư không quá cao, phù hợp với điều kiện của nhiều nông hộ. Theo anh Nguyễn Văn Linh, xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), đầu tư một chuồng trại chăn nuôi thỏ chỉ bằng 1/3 so với xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Cụ thể, để nuôi 100 con lợn/lứa, người dân cần phải đầu tư khoảng 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Trong khi đó, để nuôi từ 150 đến 200 con thỏ, bà con chỉ cần đầu tư khoảng 50 đến 70 triệu đồng.

 

Anh Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Đại Từ nói: Loài thỏ rất nhạy cảm nên để đàn thỏ luôn khỏe mạnh, vào thời điểm giao mùa, bà con phải chú ý đến thời tiết để đảm bảo chuồng trại nuôi thỏ mát mẻ vào mùa hè và ấm áp khi mùa đông. Hệ tiêu hóa của thỏ phức tạp nên bà con cũng cần phòng bệnh rối loạn tiêu hóa cho loài vật nuôi này. Dấu hiệu nhận biết thỏ mắc dịch bệnh là phân nát, lông xù, kém ăn. Khi phát hiện đàn thỏ mắc bệnh, người chăn nuôi cần chữa trị cho thỏ kịp thời, tránh tình trạng để thỏ mắc bệnh nặng, chết hàng loạt dẫn đến thất thu.

 

Ngoài cung cấp thịt, lông cho tiêu dùng, thỏ còn được dùng nhiều trong thú y và trong y học, là con vật được nhiều nước trên thế giới dùng để kiểm nghiệm thuốc, chế một vài loại vắc – xin cho người và gia súc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh khoảng 100 hộ dân chăn nuôi thỏ, trung bình mỗi hộ chăn nuôi từ 150 con trở lên. Trong đó, hợp tác xã Thanh niên Tân Linh (thành lập tháng 7/2015), với 20 thành viên tham gia đang có số đàn thỏ lớn nhất (khoàng 10.000 con, bao gồm cả thỏ giống và thỏ thương phẩm).

 

Nuôi thỏ đang mở ra cho người dân ở Thái Nguyên một hướng đi mới. Hầu hết những hộ nuôi thỏ cho thu nhập cao trên địa bàn tỉnh đều được Công ty Nippon Zoki Nhật Bản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây là Công ty đã xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học Konshi Việt Nam tại Bắc Ninh, công suất thiết kế 2 triệu con thương phẩm một năm để phục vụ cho ngành dược phẩm.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: Để việc chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nông dân cần có sự cân nhắc rất kỹ khi phát triển quy mô đàn. Bà con chỉ nên mở rộng quy mô khi có hợp đồng tiêu thụ với đơn vị thu mua để tránh tình trạng sản phẩm sản xuất ra không bán được. Khác với thịt lợn, gà, bò, thịt thỏ không thể mang ra chợ bán vì đây là loại thực phẩm chưa được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Do đó khi sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, người dân chắc chắn sẽ bị thua lỗ.