Đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng

10:02, 06/07/2017

Dù mới thành lập tháng 10-2016 , nhưng Hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm sạch Long Thịnh, xóm Đồng Nội, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) từng bước đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Vào Hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm sạch Long Thịnh (HTX Long Thịnh), chúng tôi thấy nơi đây như một trang trại thu nhỏ với vườn, ao, chuồng. Các chuồng nuôi lợn được xây thành từng ngăn rộng 30m2, cao ráo, sạch sẽ. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lợn ở đây nuôi lại không có mùi hôi như những nơi khác, ông Ma Lăng Văn, Giám đốc HTX giải thích: Chúng tôi nuôi khoảng 50 con lợn, nguồn thức ăn chính cho lợn là giun quế (một loại giun với 70% là đạm, nhiều a xít amin, vitamin...), đậu tương, ngô, cám doa, phụ phẩm nông nghiệp... được nấu chín. Lợn ăn loại thức ăn này sẽ chóng lớn, khả năng kháng các loại bệnh tốt. Đặc biệt do không sử dụng kháng sinh, cám tăng trọng trong chăn nuôi nên chuồng gần như không có mùi hôi.

 

Ông Văn chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng chăn nuôi lợn bằng giun quế: Năm 2012, học xong Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên và làm ở Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tôi luôn nung nấu ý tưởng làm sao để có thể đưa những sản phẩm an toàn đến người dân. Năm 2016, tôi về Thái Nguyên mở chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Bio Mart có địa chỉ tại 167 Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) và 169 đường Cách mạng Tháng Mười (T.P Sông Công), chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, khi mở cửa hàng, tôi gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp hàng, chất lượng hàng hóa không kiểm soát được. Vì thế, tôi đã thành lập HTX Long Thịnh với mong muốn cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, từ đó cũng chủ động được nguồn hàng cho hai cửa hàng và một số cửa hàng bán thực phẩm an toàn khác trên địa bàn thành phố.

 

Bước đầu, HTX (với 7 thành viên) hiện đang nuôi 50 con lợn bằng giun quế trên diện tích rộng 1.000m2. Nguồn giun được nhập ở Trại giun quế GHT Phú Cường (Hà Nội). Hiện, HTX đã tự ccung cấp được nguồn giun, bảo đảm mỗi con lợn trưởng thành ăn 0,2kg giun/ngày. Ông Hoàng Văn Kiên, thành viên HTX cho biết: Đây là loại giun sinh sản nhanh, thích nghi môi trường tốt. Thức ăn của giun quế chủ yếu từ phân động vật, cây lá ủ mục..., lợn ăn loại giun này lông  bóng mượt, khỏe mạnh, ít mắc bệnh hơn so với việc sử dụng cám công nghiệp. Với thời gian nuôi lợn từ 8-12 tháng (gấp đôi thời gian so với nuôi lợn bằng cám cám công nghiệp) bằng nguồn thức ăn từ giun quế và phụ phẩm nông nghiệp nên thịt lợn chắc, thơm ngon và giá bán cũng cao hơn hẳn so với nuôi lợn bằng phương pháp thông thường. Do được nuôi theo hình thức gối đàn nên lúc nào HTX cũng đảm bảo nguồn cung ổn định cho các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn T.P Thái Nguyên và Hà Nội với giá bán dao động từ 90.000 đồng/kg (tùy loại). Đến nay, HTX đã xuất bán được khoảng 4 tấn thịt tại hai cửa hàng thực phẩm an toàn của HTX và một số cửa hàng thực phẩm an toàn khác trên địa bàn T.P Thái Nguyên và Hà Nội, thu lãi 200 triệu đồng (trong vòng chưa đầy 1 năm).

 

Cùng với việc chăn nuôi lợn bằng giun quế, HTX Long Thịnh cũng đang thử nghiệm nuôi gà (khoảng 100 con) cũng bằng giun quế; nuôi cá bằng phụ phẩm nông nghiệp (cỏ, lá cây...); phối hợp với người dân ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) sản xuất các loại rau an toàn trong nhà lưới (rộng 2.000m2 ) với mong muốn đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn tới người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay HTX đang gặp phải là chi phí sản xuất lớn, trong khi thị trường tiêu thụ chưa nhiều và chưa ổn định. Được biết, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích chuồng để nuôi 150 con lợn, nâng diện tích nuôi giun quế lên 250m2, đồng thời phân của giun quế (một loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng) sẽ được sử dụng để sản xuất rau an toàn. HTX cũng sẽ liên kết với các siêu thị trên địa bàn để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước đưa những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng tới người dân.

 

Mô hình nuôi lợn bằng giun quế tuy không mới và đã có không ít HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng, tuy nhiên để tạo thành mô hình khép kín xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ cho chăn nuôi như HTX Long Thịnh thì không phải nơi nào cũng làm được. Đây là mô hình chuỗi bảo vệ môi trường cần được nhân rộng để người dân được biết và học hỏi.