Trong 3 làng nghề chè đã được công nhận của xã Yên Lạc (Phú Lương) thì Làng nghề chè xóm Đồng Bòng có tên tuổi hơn cả bởi sản phẩm chất lượng, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Không chỉ vậy, đây cũng là xóm đầu tiên, làng nghề chè đầu tiên trên địa bàn xã có 100% diện tích đã được chuyển đổi sang trồng các giống chè giâm cành cho năng suất, chất lượng cao.
Chúng tôi đến xóm Đồng Bòng vào những ngày trời mưa rả rích, hai ven đường là những vạt chè xanh non, búp tua tủa đang chuẩn bị vào lứa thu hoạch. Khoe với chúng tôi, ông Vũ Văn Hội (sinh năm 1971), Trưởng Làng nghề chè của xóm cho biết: Cả 68ha chè trong xóm của gần 80 hộ làm chè đều là chè cành với các giống như: Kim Tuyên, TRI 777 và LDP1. Nếu như năm 2014, toàn xóm có khoảng 30% diện tích là chè giâm cành, còn lại là chè trung du thì hết năm 2016, 100% diện tích đã chuyển đổi sang chè giâm cành.
Chị Trần Thị Luyến, người dân trong xóm cho biết: Toàn bộ hơn 3.000m2 chè của gia đình tôi trước đây đều là giống chè trung du. Năm 2013, thấy nhiều gia đình trong xóm chặt hạ để trồng sang giống chè mới, cho năng suất cao nên gia đình tôi cũng làm theo. Nay, toàn bộ hơn 3.000m2 chè của gia đình đều là giống chè TRI 777, Kim Tuyên. Dù diện tích chè của gia đình mới được thu hái năm thứ 2 xong cũng thu được gần 2 tạ/lứa, cao gấp 2 lần so với giống chè hạt trước đây. Còn bà Trần Thị Lan cho biết: Gia đình tôi có gần 3.000m2 chè, toàn bộ là giống chè TRI 777. Hiện nay, trung bình, gia đình bán với giá từ 150.000-250.000 đồng/kg, cao hơn 80.000-150.000 đồng so với chè trung du; bình quân mỗi lứa thu được 2-3 tạ chè búp khô, thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Cùng với chuyển đổi sang trồng các giống chè cành, người dân ở xóm Đồng Bòng còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến chè. Hiện nay, 100% số hộ dân trồng chè trong xóm đều sử dụng hệ thống tưới bằng van xoay tự động; 90% sử dụng thiết bị sao, vò chè bằng innox thay thế cho thiết bị sao làm bằng sắt trước đây để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng phân bón hữu cơ từ chăn nuôi thay cho phân hóa học. Ông Vũ Văn Tác, Trưởng xóm Đồng Bòng cho biết: Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè mà bà con trong xóm còn ý thức được việc sản xuất chè theo hướng an toàn. Hiện nay, hầu hết các hộ dân đều sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học để chăm sóc chè. Nhờ đó, năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chè ở xóm càng được nâng lên. Trung bình mỗi tháng, làng nghề chè của xóm xuất bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Thái Bình, Trà Vinh… khoảng 2 tấn chè búp khô, cho thu khoảng 400 triệu đồng.
Nói về Làng nghề chè xóm Đồng Bòng, ông Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Nhờ biết cách chăm sóc, mạnh dạn chuyển đổi cây giống, đầu tư máy móc nên chè đang là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trong xóm. Nhờ có cây chè mà đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Theo thống kê, thu nhập bình quân ở xóm đang là cao nhất trên địa bàn xã với khoảng 33 triệu đồng/người/năm (toàn xã đạt 25 triệu đồng/người/năm), tăng 5 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ khá giàu đạt trên 70%, tăng 30% số hộ so với năm 2015.