Ông Nguyễn Văn Chất, xóm Phú Yên (Thanh Ninh, Phú Bình) được người dân nơi đây quý mến, nể trọng bởi ông không chỉ là người đầu tiên có công đưa cây ớt về trồng tại địa phương mà còn luôn nhiệt tình giúp đỡ người dân thực hiện vòng tròn khép kín từ khâu cung ứng cây giống, tư vấn khoa học kỹ thuật cho đến tiêu thụ sản phẩm cho cây ớt. Cũng nhờ sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nên đã có nhiều hộ nông dân thoát nghèo từ cây ớt.
Đến thăm gia đình ông Chất vào một ngày cuối tháng 6 khi ông đang tất bật công việc chuẩn bị đất cho vụ gieo hạt tới. Chỉ vào đống đất khô được cất trong góc nhà, ông cho biết: Đất phù sa phơi khô là loại đất phù hợp nhất cho gieo ớt giống. Phải mất hơn 2 năm mày mò, ông mới học được kinh nghiệm này để gieo ớt thành công. Liên tục từ năm 2002 đến nay, năm nào ông cũng gieo hạt và cung cấp giống ớt cho bà con trong huyện và các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi vụ, ông cung cấp trên 120 vạn cây ớt giống ra thị trường. Dự kiến vụ hè thu tới, ông Chất sẽ cung cấp trên 180 vạn cây giống cho các khách hàng có nhu cầu đặt trước.
17 năm gắn bó với cây trồng này, ông Chất nắm rất rõ đặc điểm đặc tính của từng giống ớt, những bệnh cây ớt dễ mắc và cách chữa trị. Vì thế, mỗi khi cung cấp cây giống, ông đều tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người mua. Nhờ đó, cây ớt giống của gia đình ông làm ra đến đâu, đều được tiêu thụ hết đến đó. Đặc biệt, ông Chất còn thường xuyên cung ứng cây giống theo phương thức “trả chậm” cho các hộ dân trong vùng, đến khi thu hoạch mới trả tiền giống. Để có nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, từ năm 2016, ông đã đặt hàng trực tiếp với các công ty sản xuất giống, với 2 loại chính là giống GM40 và Hiểm Lai. Đây là những giống đang được thị trường ưa chuộng, dễ chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ cung cấp cây giống, ông Chất còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang thu mua các loại ớt (ớt xuất khẩu, ớt làm tương, ớt xay) cho bà con trong vùng. Trung bình mỗi ngày, ông thu mua được từ 0,8-1 tạ ớt thương phẩm.
Chị Tạ Thị Yến, xóm Phú Yên chia sẻ: Từ ngày cây ớt được bác Chất đưa về trồng tại địa phương thì nó đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của gia đình tôi. Theo chị Yến, vụ ớt vừa qua được cho là được mùa, được giá nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, giá ớt năm nay tăng cao, có thời điểm lên tới 90.000 đồng/kg (trung bình mọi năm là 15.000 đồng/kg, cao điểm cũng chỉ được 30.000-40.000 đồng/kg). Ở thời điểm này, ớt đang chín rộ, có ngày chị thu được 9 triệu đồng. Với 3 sào ớt, gia đình chị thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi, cao hơn 8 triệu đồng/sào so với các hộ trồng ớt khác do chị luôn chú trọng làm đúng kỹ thuật. Phấn khởi vì cây ớt cho hiệu quả cao, vụ tới chị Yến dự định trồng thêm 1 sào nữa. Chị Yến chia sẻ: Trước đây, do thiếu lao động, mình chị phải nuôi 2 con ăn học nên gia đình nhiều năm liền là hộ nghèo của xóm. Từ khi được ông Chất tạo điều kiện mua cây giống trả chậm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật đã giúp chị có tiền để trang trải cuộc sống và đã thoát nghèo năm 2014.
Còn theo chị Nguyễn Thị Thủy, người gốc xã Thanh Ninh, hiện đã lấy chồng ở xã Bảo Lý: Hôm nay, tôi đến nhà ông Chất để đặt mua cây giống cho vụ tới. Người dân xã tôi bao năm nay ngoài cấy lúa chỉ biết trồng lạc, vất vả mà cho thu nhập thấp. Từ khi thấy ở quê người dân trồng ớt, cho thu nhập cao, tôi đã mua giống ớt của nhà ông Chất về trồng thử trên đất Bảo Lý để thay cây lạc. Lúc mới trồng thử nghiệm, tôi luôn được ông Chất hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ vậy, cây ớt đã bén rễ tại địa phương, hiện một số hộ quanh vùng cũng chuyển sang trồng ớt như gia đình tôi. Bởi không chỉ dễ chăm sóc mà cây ớt còn có đầu ra ổn định, trung bình mỗi sào trồng ớt cũng cho thu gần 20 triệu đồng tiền lãi trong vòng 6-7 tháng trồng.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế mà cây ớt mang lại cho bà con địa phương, ông Nguyễn Văn Đĩnh, Chủ tịch HĐND xã Thanh Ninh cho rằng: Hiện đây là một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của xã. Từ nhiều năm nay, cây trồng này luôn có đầu ra ổn định và được thương lái n đến tận nơi thu mua. Nếu tính giá thấp nhất là 15.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế do cây ớt mang lại cũng cao gấp 3 lần so với cây lúa. Trong Đề án nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, Thanh Ninh xác định ớt là cây trồng mũi nhọn.Vì thế, chúng tôi đã quy hoạch vùng sản xuất cho cây trồng này tại nhiều xóm có nhiều chân ruộng cao. Hiệu quả mà cât ớt mang lại không thể không kể đến sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Chất.
Chia sẻ về quá trình 17 năm gắn bó với cây ớt, ông Chất chia sẻ: Là một đảng viên, cựu chiến binh, hiện đảm nhận vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, tôi luôn trăn trở tìm ra loại cây trồng phù hợp, giúp người dân nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, tôi đã đi nhiều nơi, tìm các loại cây trồng khác nhau về trồng thử nghiệm. Và cây ớt chính là câu trả lời sau bao ngày trăn trở, mày mò của tôi. Giờ đây, cây ớt được bà con nông dân trồng quanh năm. Khi trồng ớt tôi luôn khuyến cáo bà con chú ý một số kỹ thuật: bón phân theo phương pháp nặng đầu, nhẹ cuối; tăng cường bón phân NPK (hạn chế bón phân đạm). Đặc biệt, cây ớt hay mắc bệnh sương mai và thán thư làm sụt giảm năng suất và chất lượng quả thương phẩm. Để hạn chế bệnh này, tôi thường khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng 2 vụ ớt liền nhau ở một chân ruộng mà nên luân chuyển cơ cấu cây trồng.
Mọi kiến thức, kỹ thuật mới trong nông nghiệp nói chung và cây ớt nói riêng mà ông Chất tích lũy, học hỏi được ông đều phổ biến, chia sẻ cùng bà con nông dân. Theo ông, có làm được như vậy thì bà con mới sống được vào cây ớt. Từ đó, mới hình thành được vùng sản xuất tập trung, như thế mới thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào thu mua ớt ở địa phương.
Sinh năm 1962, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Chất làm việc tại Cửa hàng mua bán huyện, rồi làm Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ. Hiện, ông đang đảm nhận vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã từ năm 2002 đến nay. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, ông đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và nhiều giấy khen của UBND và Hội Nông dân huyện. Với người dân địa phương, ông Chất là một đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, sống rất hòa đồng, được người dân tin yêu, mến trọng.