Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ nay đến cuối năm không hề dễ dàng, tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực thực hiện các giải pháp tích cực, cụ thể mới đạt được mục tiêu đã đề ra.
Vẫn “lệch thu”
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong số thu nội địa sáu tháng đầu năm nay, số thu từ tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2016; số thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 29,8% dự toán, tăng 5,2%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 80,7% dự toán, tăng 36,6%; các khoản thu nội địa còn lại đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5%. Riêng năm nay, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, có thêm số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cân đối vào ngân sách đạt 67,4% dự toán, tăng 9,8%. Số thu từ dầu thô ước đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý ước đạt khoảng 141.000 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016. Trong sáu tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (52,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 88,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, phân tích số thu NSNN sáu tháng đầu năm cho thấy, tuy số thu nội địa tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so cùng kỳ ba năm gần đây (năm 2014, số thu nội địa đạt 52,9% dự toán, tăng 19,9%; năm 2015 đạt 52,8% dự toán, tăng 18,6%; năm 2016 đạt 49,3% dự toán, tăng 14,8%). Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều, trong đó có việc một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho NSNN như thủy điện, khai khoáng (dầu khí, than,...), sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính cho biết, khai thác khí giảm 8,7%; khai thác than tăng 2,8%, tồn kho khoảng 10,22 triệu tấn; sản xuất, lắp ráp ô-tô tăng 0,3%; điện thoại di động tăng 0,5%; thuốc lá tăng 0,9%; thực phẩm tăng khoảng 5%... Trong đó có những nguyên nhân khách quan như tỉnh Hà Tĩnh sụt giảm do số thu thuế nhà thầu của dự án Formosa; Quảng Ngãi không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Phú Yên giảm thu từ Công ty bia Masan, đồng thời không còn phát sinh số thu nợ giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô; Vĩnh Phúc giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô-tô; Thái Bình chủ yếu giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang giảm thu từ các công ty thủy điện...
Diễn biến này cho thấy sự phát triển của nền kinh tế đang ngày càng ảnh hưởng trực tiếp, rõ nét, sâu sắc đến số thu NSNN. Trong khi các khoản thu tiến độ đạt khá so với dự toán (hơn 52%) và cùng kỳ năm trước chủ yếu là thu từ đất đai, hoạt động dịch vụ thì các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh tiến độ đạt thấp so yêu cầu rất nhiều.
Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt thấp được coi là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến số thu NSNN bị ảnh hưởng mạnh: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh; giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển chậm so yêu cầu; các ngành sản xuất gặp khó khăn trong tất cả các khâu... Có thể thấy rõ điều này khi số thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,1% dự toán, chỉ tăng 8,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 45,6% dự toán, tăng 13,9%; thu từ khu vực DNNN (không kể thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, tiền bán cổ phần thuộc sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp) đạt 39,5% dự toán, giảm 4,3% so cùng kỳ năm 2016.
Chủ động điều hành
Theo Bộ Tài chính, sự chủ động trong công tác điều hành ngân sách là rất quan trọng. Ngay từ đầu năm, bên cạnh việc chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là các cấp ủy và chính quyền địa phương để động viên, tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong các biện pháp nghiệp vụ, ngành chú trọng triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế); đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý thu nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan, nhất là những mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù kết quả thu NSNN sáu tháng đầu năm từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khá nhưng thu nội địa chưa bảo đảm tiến độ dự toán. Ðây là điều “cốt tử” trong hoạt động thu NSNN bền vững. Do đó, để bảo đảm hoàn thành dự toán pháp lệnh do Nhà nước giao, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, việc triển khai quyết liệt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 đóng vai trò quyết định, bởi chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, hiệu quả mới tạo ra lực đẩy đích thực cho thu NSNN. Ngoài ra, việc triển khai Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế… cũng đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát, chỉ đạo cơ quan thuế và hải quan địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu. Cụ thể: theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế. Ðồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Tiếp tục “siết chặt” hoạt động quản lý thuế, tránh thất thu cho NSNN, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, giá, thuế suất và quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong tổng số thực hiện thu NSNN sáu tháng đầu năm nay, thu ngân sách trung ương mới đạt khoảng 41,5% dự toán; thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá nhưng vẫn còn 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 48%) và chín địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ năm 2016.