Gần 20 năm vừa học vừa làm, say mê với nghề trồng nấm và nuôi ong, cựu chiến binh Hà Quang Phụng, xóm Ao Đậu, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) đã có trong tay một cơ ngơi vững chắc trên mảnh đất quê hương…
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, ông Phụng xuất ngũ trở về địa phương năm 1994, lập gia đình và bắt đầu ở riêng với ngôi nhà nhỏ đã cũ và hai bàn tay trắng. Nói về thời điểm khởi đầu đó, ông chia sẻ, để phát triển kinh tế, tôi đã trải qua rất nhiều nghề, từ sửa chữa đồ điện, làm đậu, nấu rượu, chăn nuôi đi làm thuê xây dựng mà đời sống vẫn khó khăn. Đến năm 1999, tôi bắt đầu quan tâm đến nghề trồng nấm. Tự mày mò học hỏi, tôi nhận thấy, nấm là loại thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế cao. Vì thế tôi nuôi ý định trồng nấm thương phẩm để có thể phát triển kinh tế gia đình. Tự mày mò học nghề, từ năm 1999 đến 2002, gia đình ông Phụng tận dụng rơm rạ từ cánh đồng quê nhà tự làm được 200 bịch nấm mỗi năm. Đến năm 2002, tất cả bịch nấm của gia đình đều bị hỏng, thối hết, không cho thu sản phẩm. Gia đình tôi lại trắng tay.
Thất vọng và buồn nhưng không nản chí, ông quyết định đăng ký học lớp trồng nấm do ViệnDi truyền nông nghiệp Hà Nội tổ chức. Chăm chỉ học lý thuyết về kỹ thuật trồng nấm, chăm chú thực hành, ông đã yêu cây nấm từ khi nào không biết. Sau 3 tháng lớp học kết thúc cũng là lúc ông trở nên thuần thục về các công đoạn trồng nấm: xử lý nguyên liệu, đóng bịch cấy giống, ươm bịch rồi chăm sóc và thu hái nấm. Ông hiểu được nguyên nhân các bịch nấm của gia đình đồng loạt hỏng hết là do khâu xử lý nguyên liệu chưa triệt để, vẫn còn mầm bệnh trong rơm làm nguyên liệu. Hiểu được như thế rồi, ông tiếp tục đến các mô hình trồng nấm khác học hỏi kinh nghiệm. Năm 2004, cảm thấy vững vàng, ông bắt đầu tổ chức sản xuất thử nấm sò. Ông cho biết, sau khi học xong, tôi quyết định khởi nghiệp bằng nấm sò vì giống nấm này có thể trồng quanh năm, dễ làm nhất trong các loại nấm, cho năng suất cao, giá thành thấp, phù hợp với người dân trong huyện.
Nguyên liệu thực hiện làm bịch nấm vẫn là những sản phẩm phụ của nông nghiệp như: rơm rạ, mùn cưa, bột cám ngô, cám gạo, đường... như trước. Tuy nhiên, quy trình để sản xuất bịch nấm của ông Phụng đã có rất nhiều tiến bộ so với trước do ông đã đầu tư thêm lò hấp để tiệt trùng nguyên liệu. Kết quả, sau 3 tháng chờ đợi, ông đã thu hoạch được nấm sò dày, trắng muốt, chế biến rất thơm ngon. Sản phẩm nấm có chất lượng ổn định và được bán các chợ, nhà hàng trong huyện. Đến nay, gia đình ông đã có xây dựng được nhà xưởng rộng gần 1.000m2, đảm bảo môi trường sạch sẽ, thông thoáng, độ ẩm phù hợp; các khu vực xử lý nguyên liệu, hấp tiệt trùng, trồng và thu hoạch nấm đều được phân chia riêng đảm bảo cho nấm phát triển tốt. Hiện tại, mỗi năm gia đình ông thường sản xuất trên 1 vạn bịch nấm, thu hoạch khoảng 4 tấn nấm sò thương phẩm.
Bên cạnh trồng nấm, năm 2008, ông Phụng được tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do xã tổ chức. Ông nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của xã mình do có nhiều cây keo, cây ăn quả, ông Phụng bắt tay vào nuôi ong. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ông không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài đàn, vừa nuôi vừa học hỏi để có kiến thức. Lúc đầu nuôi còn luống cuống nhiều khi còn bị ong đốt sưng tấy cả chân, tay. Đến nay, sau gần 10 năm vừa học hỏi vừa nuôi ông đã có 200 thùng ong, mỗi năm thu được gần 2 tấn mật và có thể gây cầu ong để bán cho người dân xung quanh. Ông cho biết: Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào…
Có thể nói, với ý chí, nghị lực của mình, ông Phụng đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí trung bình mỗi năm để ra được trên 100 triệu đồng. Gia đình ông cũng là gia đình tiêu biểu của xã trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa.