Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu

08:20, 22/07/2017

Ngày 21-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện các ngành: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án và các TCTD trên địa bàn.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo NHNN nhấn mạnh: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”. Nghị quyết bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8-2017.

 

Theo đánh giá của đại diện các TCTD, Nghị quyết được cho là sẽ mở ra nhiều nút thắt, giúp các TCTD dễ dàng, thuận lợi, tự tin hơn trong việc xử lý nợ xấu và bản thân khách hàng cũng sẽ tự nâng cao hơn ý thức trả nợ trước các quy định mới được đưa ra. Nhờ đó sẽ giúp các TCTD giảm đáng kể chi phí rủi ro, từ đó tăng hiệu quả trong quá trình hoạt động. Được biết, ngay sau khi có Nghị quyết 42, ngày 19-7, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu các tòa án nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu cho các TCTD.

 

Theo số liệu NHNN Việt Nam, tính đến 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,81% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ xấu đã được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ thì tỷ lệ này là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

 

Đối với Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 6, nợ xấu của các TCTD được xác định là 524 tỷ đồng, chiếm 1,24%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu đã được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ thì tỷ lệ này cao hơn nhiều. Bởi thế, với việc Nghị định số 42 được triển khai sẽ mang đến hy vọng cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn có cơ hội giảm được nợ xấu hiện nay.