Cần sớm xây dựng khu vực giết mổ tập trung

16:48, 07/08/2017

Để có nguồn thịt gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng, bên cạnh quá trình chăn nuôi đúng quy trình thì khâu giết mổ đến khâu tiêu thụ cũng phải đảm bảo hợp vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn T.P Thái Nguyên là tự phát, chưa tuân thủ quy trình giết mổ đúng quy định.

Dạo quanh chợ Thái, hoặc đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) chúng tôi dễ dàng bắt gặp những điểm giết mổ gia cầm thuê. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những điểm giết mổ hầu như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Do không có mặt bằng rộng, chủ giết mổ đã tận dụngmột góc nhỏ để giết mổ gia cầm, giết mổ xong nhiều người đặt ngay những con gia cầm mới được vặt lông xuống nền đất bẩn. Mới đây, chúng tôi theo Đoàn Kiểm tra liên ngành VSATTP T.P Thái Nguyên đến kiểm tra cơ sở giết mổ trâu bò của ông Trần Ngọc Thông, tổ 5, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên), cơ sở đang nằm trong diện được đề nghị là cơ sở đạt tiêu chuẩn về giết mổ, vì toàn bộ số bò mà cơ sở này đang giết mổ được Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Việt Hùng (thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nhập khẩu, sau đó bán lại cho cơ sở, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và có người của Công ty giám sát trực tiếp trong quá trình giết mổ, nhưng chúng tôi vẫn thấy các xô, chậu đựng sản phẩm thịt cáu bẩn, những bộ lòng bò được đựng hổ lốn vào chậu nước đã ngầu bẩn.

 

Thực tế hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ diễn ra tràn lan nhưng thiếu sự kiểm soát. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá thịt lợn xuống thấp, tại các vệ đường hoặc chợ cóc trên địa bàn thành phố, người dân còn trải cả bạt xuống đất để bày bán thịt lợn. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hiện tại T.P Thái Nguyên vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giết mổ của các hộ kinh doanh. Cũng theo thống kê của phòng chức năng thành phố, trong tổng số 13 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thì mới chỉ có duy nhất cơ sở giết mổ lợn An Khang thuộc tổ 15, phường Quang Vinh là đủ điều kiện và được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên quy mô chỉ đạt 30 con lợn/ngày thì không đủ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương.

 

Thời gian qua, để kiểm tra, kiểm soát tình trạng giết mổ cũng như kiểm soát thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATVSTP và phòng, chống dịch động vật của T.P Thái Nguyên tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh, chế biến và sản xuất thực phẩm, qua đó phát hiện và xử lý trên 1,5 tấn thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Sỹ, Trưởng phòng Y tế T.P Thái Nguyên khẳng địch: Để tồn tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ sẽ rất khó kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vì trong quá trình giết mổ nếu không đúng quy trình hợp vệ sinh vi khuẩn xung quanh sẽ rất dễ nhiễm vào sản phẩm thịt. Bên cạnh đó, việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang làm cho lực lượng chức năng khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của thịt.

 

Cũng theo thống kê của Phòng Thống kê T.P Thái Nguyên, năm 2016 đã có 15.000 tấn thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng, cung cấp đủ nhu cầu sử dụng thực phẩm của nhân dân trên địa bàn. Thế nhưng trong số thực phẩm nêu trên, số thực phẩm có dấu kiểm định chất lượng giết mổ là không nhiều. Điều này khiến cho người tiêu dùng khi đi mua thực phẩm thịt tươi sống “lạc vào mê cung” không biết đâu là nguồn thịt đảm bảo chất lượng và không đảm bảo chất lượng. Qua thực tế việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn T.P Thái Nguyên nêu trên, thiết nghĩ T.P Thái Nguyên cần sớm quy hoạch, xây dựng khu vực giết mổ tập trung. Việc làm này vừa để các hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, vừa để các ngành chức năng thuận lợi trong khâu quản lý, kiểm soát nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm.