Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các làng nghề

07:10, 10/08/2017

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều làng nghề chế biến thực phẩm. Cùng với việc từng bước cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động thì vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang dần được các hộ làm nghề coi trọng.

Làng nghề miến Việt Cường chuyên sản xuất miến dong đã có từ lâu đời ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Hiện cả xóm Việt Cường có 115 hộ dân thì có 36 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200-250 lao động. Mỗi năm, làng nghề xuất ra thị trường khoảng 400-450 tấn miến thành phẩm. Với giá bán trung bình khoảng 60.000 đồng/kg, năm 2016, doanh thu làng nghề đạt trên 20 tỷ đồng/năm.

 

Ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm Việt Cường, cho biết: Trước kia, các hộ làm nghề sản xuất miến dong chủ yếu theo kiểu thủ công, truyền thống nên năng suất thấp. Đến nay, một số công đoạn làm miến dong đã được các hộ đầu tư máy móc thiết bị như: thùng inox đựng bột, máy khoắng, máy ép thủy lực… Không những giúp cho năng suất cao hơn, sợi miến đều, đẹp hơn, tiết kiệm được sức lao động mà còn góp phần bảo đảm VSATTP tốt hơn. Bên cạnh đó, chính quyền huyện, xã cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các hộ làm nghề phải thực hiện nghiêm các quy định về VSATTP từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm. Còn ông Đặng Văn Tân, 1 hộ làm nghề ở xóm Việt Cường cho biết: Thay vì mài củ dong rồi lọc bột như trước đây, hiện các hộ chủ yếu nhập bột nghiền sẵn, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa hạn chế lượng nước thải ra môi trường.

 

Cũng có truyền thống lâu đời, Làng nghề bún bánh xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) với những sợi bún dẻo, thơm, trắng tinh từ lâu đã được nhiều khách hàng xa gần biết đến. Với 30 hộ làm nghề và trên 70 lao động thường xuyên, mỗi năm, làng nghề xuất bán ra thị trường từ 8 nghìn đến 10 nghìn tấn bún, giá bán trung bình là 7.000 đồng/kg. Ông Đỗ Đình Điện, Trưởng xóm Gò Chè cho biết: Nhờ sự chỉ đạo, vận động, tuyên truyền thường xuyên nên ý thức bảo đảm VSATTP giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã có nhiều tiến bộ. Hằng năm, xã đều tổ chức kiểm tra ở các hộ, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác VSATTP 100% nước thải của các hộ làm nghề đều được đưa qua bể biogas chứ không thải trực tiếp ra môi trường, việc thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo vệ sinh chung cho làng nghề.

 

Chú trọng đến công tác VSATTP, những người dân làm nghề ở Làng nghề tương nếp Úc Kỳ (Phú Bình) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, đầu tư thùng chứa, lựa chọn kỹ nguyên liệu để chế biến. Hiện cả xã có khoảng 240 hộ dân chuyên sản xuất, kinh doanh tương nếp (trong đó có 30 hộ dân sản xuất, kinh doanh với số lượng lớn), tập trung nhiều ở các xóm: Ngoài 1, Ngoài 2, Múc, Trại, Làng và Tân Lập, mỗi năm sản xuất được trên 100.000 lít tương. Đưa cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận VSATTP của cơ sở, ông Dương Văn Tuyến, xóm Ngoài 1, xã Úc Kỳ khẳng định: Trong sản xuất, cơ sở của gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm quy định của Luật An toàn thực phẩm, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khâu chế biến, đóng chai. Ngoài ra, các thùng chứa, dụng cụ làm tương… đều được chúng tôi vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên; người lao động trực tiếp sản xuất được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức VSATTP theo quy định...

 

Qua tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở chế biến thực phẩm khác trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các chủ cơ sở đã chú trọng hơn đến việc bảo đảm VSATTPcho sản phẩm. Đặc biệt là giữ vệ sinh khu vực sản xuất, trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp sản xuất, đầu tư máy móc đầy đủ góp phần đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường hay phơi sấy, tập kết nguyên liệu tại đường đi, cánh đồng… đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ đã thực hiện tốt vẫn còn tồn tại một số ít cơ sở chưa có ý thức tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc VSATTP, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh cho rằng: Việc đảm bảo VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm là điều kiện tất yếu để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho các làng nghề. Thời gian tới, cùng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Làng nghề tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện quy định về bảo đảm VSATTP cho các làng nghề, từ đó, góp phần giúp đưa sản phẩm làng nghề tiêu thụ tại những thị trường lớn, khắt khe hơn…