Hiện nay, toàn tỉnh mới có trên 700ha chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP, chiếm 3,3% tổng diện tích chè của tỉnh, với sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 8.500 tấn. Đây là con số khiêm tốn so với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Thái Nguyên. Làm gì để tiếp tục nhân rộng diện tích chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn là bài toán khó khi mà nhận thức của nhiều hộ dân chưa “thông”.
5 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn người dân trong tỉnh sản xuất chè theo hướng an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, đến nay, diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm khoảng trên 75% trong gần 18.680ha chè kinh doanh của tỉnh. Tuy vậy, diện tích chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù đã sản xuất chè theo quy trình VietGAP nhưng nhiều hộ dân trong tỉnh chưa mạnh dạn đầu tư kinh phí để xin cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn này. Bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước bởi nhiều năm nay, tỉnh vẫn có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí (6 triệu đồng/ha) cho việc xin cấp giấy chứng nhận đạt VietGAP. Do đó, khi được hỗ trợ thì bà con làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận. Khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực (sau 2 năm được cấp), rất nhiều hộ dân không mạnh dạn đầu tư kinh phí để tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận nữa.
Ông Nguyễn Văn Thủy, một hộ sản xuất chè ở xóm Phú Ninh 1, xã Phú Đình (Định Hóa) cho biết: Chi phí cho chứng nhận VietGAP khá lớn đối với những người làm chè. Trong khi đó, trước thực trạng thật giả khó phân định như hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tin vào tấm Giấy chứng nhận hoặc chưa hiểu được giá trị của sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là lý do khiến nhiều hộ làm chè không dám mạo hiểu đầu tư cho tấm Giấy chứng nhận.
Một thức tế nữa là, ở nhiều vùng sản xuất chè trong tỉnh, giá bán sản phẩm chè ở các điểm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn giá bán chè ở những điểm đang sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo chị Phạm Thị Đại, một hộ làm chè lâu năm ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) thì chất lượng sản phẩm của diện tích chè đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và diện tích chè đang sản xuất theo quy trình này là như nhau nên giá bán ra thị trường ngang nhau. Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân chúng tôi vẫn tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt từ việc việc sử dụng hóa chất đến xây dựng nhà xưởng chế biến… Do đó, có hay không có Giấy chứng nhận cũng không có sự khác biệt.
Không chỉ có vậy, ở nhiều nơi trong tỉnh, sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP bán ra không cao hơn giá chè sản xuất theo phương thức truyền thống. Trong khi để được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, người làm chè đã phải nỗ lực rất nhiều.
Thực tế cho thấy, hiện tại, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến sản phẩm chè an toàn; thị trường xuất khẩu ngày càng kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi lẽ đó, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP chính là tấm giấy “thông hành” để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với trên thị trường trong nước và quốc tế. Do vậy, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người làm chè về ý nghĩa của Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động bà con mạnh dạn đầu tư kinh phí làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng nên quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá sản phẩm chè cho bà con thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nhất là các sản phẩm ở các nơi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP để người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản phẩm chè VietGAP. Bên cạnh đó, tỉnh nên tiếp tục đầu tư các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè. Từ đó giúp cho sản phẩm chè an toàn có đầu ra ổn định, giá bán cao, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Một đòi hỏi nữa cần đặt ra là sau khi cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho những hộ sản xuất chè, các đơn vị, tổ chức chứng nhận cần tiếp tục có sự kiểm tra, giám sát để người dân dùy trì nghiêm ngặt các quy trình sản xuất chè VietGAP, đảm bảo sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Theo đó, tỉnh nên khuyến khích các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certificed, RFA tham gia chứng nhận sản xuất chè trên địa bàn… để tạo ra vùng nguyên liệu chè an toàn lớn cung cấp cho các nhà máy sản xuất chè trong và ngoài tỉnh.