Khởi sắc ở xóm Cộng Hòa

07:28, 15/08/2017

Khoảng 5 năm trở lại đây, xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương), nơi có 70% hộ dân là người dân tộc Dao, Tày sinh sống đã có những đổi thay tích cực. Nhờ tập trung phát triển kinh tế, năm 2016 thu nhập bình quân của xóm đã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 7-8 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Ở xóm Cộng Hòa, lúa chính là cây trồng chủ lực của 140 hộ dân nơi đây. Chị Nhâm Thị Nguyên, Trưởng xóm cho biết: Hiện nay, xóm có gần 15ha đất trồng lúa. Nhà nào ít thì có 1-2 sào, nhà nào nhiều thì có 1 mẫu ruộng. Trước đây, do gieo giống lúa địa phương nên năng suất lúa chỉ đạt 120 đến 150kg/sào. Tuy nhiên, sau 5 năm, do tích cực đưa các giống lúa lai như TH3-5, Syn6… vào gieo cấy; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa của xóm đã đạt 200kg/sào.

 

Năng suất lúa ngày càng tăng lên, người dân xóm Cộng Hòa không chỉ đủ ăn mà còn có thóc để bán hoặc phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện cuộc sống. Hiện, trung bình mỗi nhà nuôi khoảng 3, 4 con lợn và 20 đến 50 con gà… Theo anh Lý Quốc Hùng, một hộ dân trong xóm thì dù chăn nuôi không mang lại nguồn thu nhập cao nhưng cũng giúp chúng tôi có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho các bữa ăn hằng ngày, giảm được chi tiêu, tăng nguồn tiền tích lũy.

 

Với người dân xóm Cộng Hòa, cấy lúa, chăn nuôi là để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, còn trồng rừng mới là một trong những nguồn thu lớn giúp nhiều hộ dân trong xóm vươn lên làm giàu. Hiện tại, xóm Cộng Hòa có gần 40ha rừng của gần 30 hộ dân. Hộ ít có khoảng 0,5ha rừng, hộ nhiều có tới 3ha rừng. Phát triển kinh tế rừng, bà con tập trung trồng cây keo lai vì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra thuận lợi và nhanh cho thu hoạch (sau 6-7 năm là được thu hoạch gỗ).

 

Gia đình anh Bàn Hữu Lưu, hộ có diện tích rừng lớn của xóm (gần 3ha đất rừng) cho hay: Trước đây, chưa nắm được kỹ thuật nên trồng rừng xong, chúng tôi bỏ không đến khi được thu hoạch. Vì thế chất lượng gỗ kém, sản lượng và thu nhập không cao. Sau này, có kinh nghiệm hơn, lại được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng nên chúng tôi đã biết chăm sóc, tỉa thưa rừng trồng; bón phân đúng kỹ thuật… Nhờ đó cây rừng lớn nhanh, chất lượng gỗ tốt, hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi không còn phải bán rừng non như trước nữa. Với gần 3ha rừng hiện có, mỗi kỳ thu hoạch, gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng.

 

Ngoài phát triển kinh tế rừng thì phát triển kinh doanh dịch vụ cũng giúp nhiều hộ dân trong xóm có thu nhập cao. Thời điểm này, xóm có hơn 20 hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, đồ điện tử và dịch vụ ăn uống... Trong đó, các hộ: ông Bàn Hữu Tình, ông Triệu Tiến Minh, ông Triệu Viết Hán đều có thu nhập trên 100 triệu đồng/người/năm từ kinh doanh nhà hàng ăn uống. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, những hộ kinh doanh này còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Có thể thấy, những năm trở lại đây, đời sống vật chất của người dân xóm Cộng Hòa đã có những bước phát triển ổn định. Hiện nay, trong xóm chỉ còn 6 hộ nghèo, giảm 30% so với năm 2014, số còn lại là những hộ giàu và thu nhập trung bình. Bộ mặt thôn xóm cũng nhiều khởi sắc. Dạo quanh xóm Cộng Hòa, chúng tôi thấy rất nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, sửa sang. Đời sống ngày một khấm khá, người dân trong xóm có điều kiện chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm nay,xóm đều đạt xóm văn hóa. Người dân trong xóm luôn thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, trường học…

 

Dù là xóm có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhưng miền quê này đang từng bước đổi thay tích cực. Chị Nhâm Thị Nguyên chohay: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp cho các hộ nghèo tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để họ tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Riêng trong năm 2017, chúng tôi phấn đấu giảm 3/6 hộ nghèo.