Lập nghiệp trên vùng đất khó

08:07, 08/08/2017

Những năm qua, phong trào “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác” do Huyện đoàn Đại Từ phát động đã và đang được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Nhiều đoàn viên, thanh niên đi lên từ hai bàn tay trắng để rồi trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương. Một trong số đó là tấm gương anh Trần Quang Ích (sinh năm 1981), xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến (Đại Từ).

Từ bỏ mức lương 20 triệu đồng/tháng để… về quê

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn nằm giữa trang trại rộng hơn 2ha, anh Trần Quang Ích chia sẻ: Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông lại có tới 9 anh em nên sau khi hoàn thành chương trình THPT, tôi buộc phải khép lại cánh cửa đại học. Thế nhưng, vùng đất nơi đây vốn chủ yếu là đồi núi, quanh năm vất vả làm lụng nhưng cũng chỉ đủ ăn chứ chưa nói đến để dành.Muốn làm kinh tế giỏi thì trước hết phải có vốn, kiến thức và kinh nghiệm, do vậy, năm 2000, tôi quyết định vào T.P Hồ Chí Minh làm ăn.

 

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, chàng trai 18 tuổi Trần Quang Ích đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và trở thành một người thợ kim hoàn lành nghề. Thậm chí thù lao của anh lúc bấy giờ còn cao hơn nhiều lao động đã vào làm trước đó vài năm. Nghề nghiệp đã sẵn trong tay, mức lương khá (20 triệu đồng/tháng), song Ích không thôi trăn trở về các em, về gia đình. Vì vậy, ngoài thời gian đi làm, cứ tối đến là anh lại mày mò nghiên cứu sách báo về chăn nuôi và các thông tin trên mạng Internet. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy đà điểu là giống vật nuôi dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu quê mình.

 

Với suy nghĩ “Tại sao không thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương?”, năm 2012, Trần Quang Ích trở về nơi đã sinh ra và lớn lên, đồng thời, lựa chọn chăn nuôi đà điểu để khởi nghiệp. Tận dụng lợi thế về đất đai của gia đình, cộng với số vốn tích góp được hơn 10 năm làm ăn xa nhà, anh Ích đã san bằng 2,2ha diện tích đất đồi trước đây vốn trồng chè, keo nhưng không hiệu quả để xây dựng trang trại. Để có 100 con đà điểu như hiện nay, anh Ích đã đến tận những nơi chuyên nuôi đà điểu quy mô lớn như: Ba Vì (Hà Nội), Hải Dương… để học hỏi. Anh kể: Vì muốn hiểu sâu hơn về đà điểu và kỹ thuật chăm sóc nên sau khi đến tham quan, tôi đã nài nỉ Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) cho ở lại làm việc 1 tháng không công. Thấy tôi quyết tâm, giám đốc Trung tâm đã chấp thuận.

 

Từ những kỹ thuật được chuyển giao, anh trở về đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi đà điểu kiên cố với quy mô gần 3.000m2, có lưới thép bao quanh. Theo lời anh Ích, đà điểu là động vật hoang dã thích chạy nên khi xây dựng chuồng trại phải có sân rộng, bằng phẳng để chúng tự do chơi. Ngoài ra trong chuồng phải dọn sạch những vật nhọn như cành cây, những viên đá có góc cạnh… vì đà điểu ăn bất cứ vật gì mà chúng bắt gặp. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn (2-2,5 triệu đồng/con giống) thì chi phí nuôi đà điểu không tốn kém như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc... Sau từ 9-11 tháng là có thể xuất bán đà điểu ra thị trường. Khi xuất chuồng, mỗi con đà điểu nặng khoảng 80kg-140kg, với giá bán 230.000-250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi có thể lãi 3-4 triệu đồng/con. Quan sát anh vừa cho ăn, vừa vuốt ve đàn đà điểu, chúng tôi mới hiểu lý do vì sao chàng thanh niên trẻ lại chịu từ bỏ T.P Hồ Chí Minh hoa lệ để trở về với mảnh đất này.

 

Mặc dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm, song đàn đà kiểu của anh Ích đang hứa hẹn nhiều triển vọng khi sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ sau hơn 2 tháng, đàn đà điểu của anh Ích đã tăng trọng lượng đáng kể, từ 4kg/con lên 25kg/con. Thêm vào đó, đà điểu đang được xem là giống vật nuôi “đa năng” khi trứng, thịt, da, lông đà điểu đều có giá trị kinh tế cao. Để có đầu ra ổn định, anh Ích đã chủ động liên hệ với một số nhà hàng, nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, với ý tưởng nhân rộng mô hình, mở rộng vùng nguyên liệu, tháng 2 vừa qua, anh Ích đã mạnh dạn vận động thêm 10 thanh niên trong xã thành lập Hợp tác xã Song Mã với lĩnh vực hoạt động chính là chăn nuôi, vốn điều lệ là 4 tỷ đồng.

 

“Nếu không có gì thay đổi thì trong khoảng 2 năm nữa, khi tăng số lượng đà điểu lên khoảng 50-80 con, thu nhập hàng năm của Hợp tác xã sẽ ổn định ở mức trên 1 tỷ đồng. Riêng về đà điểu sẽ cho thu lãi 300-400 triệu đồng/năm”, anh Ích nhẩm tính.

 

Phát huy vai trò “hai trong một”

 

Trò chuyện với anh Ích, chúng tôi như cảm nhận được niềm đam mê với công việc cùng rất nhiều ý tưởng luôn thường trực trong con người này. Không chỉ nhanh nhẹn, sáng tạo trong làm kinh tế, Trần Quang Ích còn được biết đến với vai trò là Bí thư Chi bộ và Bí thư Chi đoàn được tín nhiệm tại địa phương.

 

Hơn 4 năm đảm nhiệm vai trò là Bí thư Chi Đoàn xóm, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Minh Tiến, anh luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy, cống hiến sức trẻ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Đặc biệt là gắn các hoạt động của Đoàn Thanh niên với cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có thời gian là anh lại tranh thủ nghiên cứu sách báo, đi tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong vùng để về chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên trong xóm. Từ những mô hình mà anh giới thiệu, nhiều thanh niên thêm niềm tin trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại quê nhà. Với những người thích nuôi đà điểu, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cung cấp con giống cho họ. Hiện tại, trang trại của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5-7 thanh niên trong xóm với mức thu nhập dao động từ 2-2,5 triệu đồng/tháng, những lúc nhiều việc có thể cần 10-15 người.

 

Trong vai trò là Bí thư Chi bộ xóm, anh Ích cũng luôn hết mình vì công việc . Thời điểm địa phương đang tập trung cao độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, anh Ích đã vận động được nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường. Tổng diện tích đất hiến lên tới trên 3.000m2, phục vụ xây dựng 3 tuyến đường bê tông có tổng chiều dài 900m. Cả quá trình vận động người dân, san lấp mặt bằng, làm đường chỉ kéo dài vỏn vẹn trong vài tháng. Khi chúng tôi hỏi bí quyết, anh chỉ mỉm cười: Là người cán bộ Đoàn, là đảng viên thì cần phải luôn gương mẫu đi đầu thì tự khắc người dân sẽ làm theo. Bản thân gia đình tôi cũng hiến 900m2 đất để làm đường. Bà con thấy mình hăng hái, lại được tuyên truyền để thấy được lợi ích của đường bê tông thay vì con đường nhỏ hẹp, lầy lội trước kia nên mọi người đã đồng thuận. Giờ đây, việc đi lại thuận tiện, ô tô tải vào được đến tận nhà, bà con ai nấy đều phấn khởi.

 

Nói về anh Trần Quang Ích, đồng chí Hoàng Văn Tiệm, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến đã dành nhiều lời khen ngợi: Đồng chí Ích là một đảng viên gương mẫu, một cán bộ Đoàn năng nổ và sáng tạo. Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh còn là người “truyền lửa” cho phong trào đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Mong rằng mô hình chăn nuôi của anh Ích sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía các cấp, ngành, đặc biệt là cơ chế chính sách và đầu ra cho sản phẩm, để người dân lấy đó làm cơ sở, động lực nhân rộng mô hình…