Hiện nay, tình hình thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đốm sọc, bệnh bạc lá… phát sinh gây hại cho lúa mùa.
Theo thông tin từ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Bình, hiện nay, khoảng 400ha lúa mùa sớm, mùa trung, mùa muộn trên địa bàn huyện bị nhiễm sâu, bệnh. Cụ thể, mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng trung bình 1.000 con/m2, nơi cao là 2.800 con/m2, cục bộ 4.000 con/m2; tuổi rầy cơ bản là mức 1, 2, 3 và trưởng thành; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn với diện tích 30ha ở các xã Lương Phú, Tân Đức, Tân Thành trên các giống B-TE, TBR 225.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Bình khuyến cáo: Các địa phương cần thông báo, hướng dẫn, đôn đốc các xóm, bà con nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ hiệu quả; các biện pháp hoá học: dùng các loại có tác dụng lưu dẫn, nội hấp, phun không cần rẽ lúa như Chess 50WG, Actara 25WG, Sunato 800WG... khi lúa còn xanh; khi lúa ở thời kỳ chín sáp, lá vàng thì tiến hành rẽ lối rộng 50-60cm và dùng 1 trong các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc phun trực tiếp vào nơi có rầy như Bassa 50EC,
Victory585EC, Sairifos 585EC… Đối với những ruộng lúa đã chín cách thời gian thu hoạch 5 ngày mà có mật độ rầy cao thì tiến hành gặt chạy, không phun thuốc…