Tiếp "lửa" cho thanh niên khởi nghiệp

14:36, 09/08/2017

Với nhiệt huyết, hoài bão, sự năng động của tuổi trẻ cùng với sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, những năm qua, huyện Đại Từ ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên chí thú làm ăn, vượt khó vươn lên làm giàu và có những ý tưởng khởi nghiệp đã được thực hiện thành công.

Vốn theo học ngành cơ khí, từng đi làm nhiều nơi, và những năm tháng xa nhà, ở trọ, anh Đỗ Xuân Đại, xóm Vai Say, xã Vạn Thọ đã có suy nghĩ: Tại sao không lập nghiệp trên mảnh đất quê hương mình, bằng chính nghề nghiệp mà cha ông đã gắn bó. Từ đó, anh ý tưởng gây dựng mô hình trồng rau quả an toàn. Ban đầu, do không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, anh đã tìm hiểu qua các tài liệu về nông nghiệp, tham gia các lớp tập huấn và bắt tay trồng 2 sào dưa lê siêu ngọt. Ngay lứa đầu tiên đã cho thu hoạch gần 1 tấn. Kết quả đó đã tiếp thêm niềm tin cho anh tập trung vào hướng đi mình đã chọn. Không chỉ mở rộng diện tích dưa của gia đình, anh Đại đã phổ biến cho bà con địa phương cùng làm. Đến nay, diện tích trồng dưa lê siêu ngọt trong toàn xã đã lên đến hơn 7 mẫu. Mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, với giá bán trung bình 12.000 đồng /kg cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm 2015, anh Đại lại đứng ra vận động bà con, thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn Nông Phúc với 9 thành viên tham gia. Ngoài dưa lê, anh đưa thêm cây ớt chỉ thiên, dưa chuột vào làm cây trồng chủ lực trong tổ. Ngoài các giống cây chủ đạo, Tổ hợp tác tác còn trồng thêm các loại rau, quả gối vụ như các loại đậu đỗ, củ đậu, rau ăn lá...

 

Cũng giống như anh Đỗ Xuân Đại, anh Nguyễn Văn Quảng, xóm 13, xã Tân Linh đã bỏ việc ở Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, đem bao ước mơ của tuổi trẻ tập trung mày mò học hỏi để thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm. Anh Quảng cho biết: Sở dĩ tôi lựa chọn chăn nuôi thỏ là vì đây là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật, lại phải đầu tư ít, lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh, không cần nhiều diện tích, hơn nữa đây là mô hình khá mới lạ ở địa phương. Chỉ với 15 đôi thỏ giống ban đầu, mỗi năm một thỏ mẹ cho 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con, quy mô đàn thỏ của tôi ngày một lớn. Một điều may mắn là, sau khi tìm tòi, tôi đã tiếp cận được với Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản. Công ty này sẵn sàng thu mua thỏ đạt phẩm cấp với số lượng lớn, vì vậy không lo đầu ra cho sản phẩm. Sau hơn 2 năm chăn nuôi, đến nay, tôi có 150 thỏ nái. Mỗi tháng, gia đình bán được xấp xỉ 300 con cả thỏ giống và thỏ thương phẩm với doanh thu đạt 70 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn và thuốc thú y, mỗi tháng lãi được 50 - 55 triệu đồng.

 

Bắt đầu thấy được những thuận lợi cũng như lợi nhuận từ việc chăn nuôi thỏ, anh Quảng đã vận động một số đoàn viên, thanh niên ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi thành lập Hợp tác xã thanh niên Tân Linh, hình thành vùng nuôi thỏ tập trung. Hiện, Hợp tác xã thanh niên Tân Linh do anh Quảng làm Giám đốc có 20 thành viên, quy mô chăn nuôi trên 8.000 con thỏ, trong đó hơn 1.000 thỏ nái. Thu nhập bình quân từ nuôi thỏ của các thành viên đạt 15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập sẽ tiếp tục tăng theo quy mô đàn.

 

Không chỉ anh Đại, anh Quảng, mà hiện nay trên địa bàn Đại Từ có rất nhiều mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao do các đoàn viên, thanh niên làm chủ. Chính sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc họ đưa ra những ý tưởng hay, mới lạ trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.

 

Huyện Đại Từ hiện có 9.656 đoàn viên, 12.500 thanh niên và hội viên hội Liên Hiệp thanh niên. Trong đó, thanh niên nông thôn chiếm 39,4%; thanh niên công chức và lực lượng vũ trang chiếm 18,2%; thanh niên học sinh chiếm 42,4%. Số đoàn viên thanh niên này được tập hợp sinh hoạt tại 681 chi đoàn, 30 Đoàn cơ sở, 18 chi đoàn, Đoàn trực thuộc và 4 đoàn trường. Nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế, Huyện đoàn Đại Từ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên. Cụ thể là, triển khai sâu, rộng phong trào Tuổi trẻ sáng tạo nhằm khuyến khích đoàn viên, thanh niên phát huy sở trường, năng lực, sáng tạo trên mọi lĩnh vực.

 

Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên trao đổi, bổ sung kiến thức về mọi lĩnh vực, khuyến khích đoàn viên, thanh niên phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Mỗi đối tượng đoàn viên, thanh niên, Đoàn đều có các hoạt động phù hợp với tính chất công việc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các đoàn viên thanh niên đã được tham gia thực hiện các sáng kiến, các đề tài nghiên cứu khoa học thông qua các phong trào như: “Khi tôi 18”, “Học sinh 3 rèn luyện”... Qua đó, tạo môi trường học tập tốt, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng, đạo đức cho học sinh.

 

Kết quả, đã có trên 30 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của đoàn viên, thanh niên được công nhận và áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, Đoàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, kết hợp công tác truyền thông với tư vấn mùa thi và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh trung học phổ thông, tổ chức tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ...

 

Đối với đoàn viên, thanh niên khối công nhân, Đoàn phát động phong trào thi đua “4 nhất”: chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn cao nhất và tiết kiệm nhất. Qua phong trào nhằm tạo môi trường thuận lợi để thanh niên phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thi đua hoàn thành các hạng mục công trình đúng và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng cao nhất.

 

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, ngân hàng chính sách xã hội, địa phương, huy động nguồn vốn từ các tổ chức kinh tế - xã hội và hình thức góp vốn trong đoàn viên, thanh niên. Hiện nay, Đoàn thanh niên huyện đang quản lý và giải ngân trên 72 tỷ đồng cho vay với tổng dư nợ 27 triệu đồng, tạo điều kiện cho 1.670 hộ đoàn viên, thanh niên được vay vốn. Ngoài hỗ trợ về vốn, Đoàn còn phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.240 đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia học tập về xây dựng các mô hình trồng rau an toàn, trồng rau công nghệ cao, các trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp để nâng cao năng xuất, tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên.

 

Từ các hoạt động đó, đã tiếp thêm ngọn lửa về khát vọng lập nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đoàn viên, thanh niên có sáng kiến trong nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.