Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Đại Từ đã đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ cho người dân, từng bước cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn.
Đại Từ có 30 xã, thị trấn với 483 xóm, tổ dân phố, năm 2017, huyện có 4 xã và 52 xóm đặc biệt khó khăn. Nhận thức rõ các hình thức hỗ trợ từ Chương trình 135 rất có ý nghĩa đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn, nên những năm qua, huyện luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thực hiện Chương trình này. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, giám sát kịp thời việc tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương. Hằng năm, căn cứ vào nguồn vốn phân bổ của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện giao cho phòng chức năng phối hợp với các phòng, ban có liên quan tham mưu cho UBND huyện phân bổ vốn kịp thời để các địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Để công tác hỗ trợ phát huy tốt hiệu quả, huyện tập trung rà soát, đánh giá và xác định đúng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, nhằm phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Đối với các xã cũng đều thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Giám sát để có cơ sở thực hiện bình xét, lựa chọn các hạng mục công trình ưu tiên xây dựng và các đối tượng ưu tiên để đầu tư, đảm bảo sự công bằng, dân chủ. Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình được triển khai thực hiện chặt chẽ từ huyện đến các xóm, có sự giám sát của người dân hưởng lợi từ Chương trình, nên không có tình trạng thất thoát kinh phí, vật tư hỗ trợ.
Nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn, từ năm 2015 đến nay, xã Quân Chu được đầu tư trên 3,4 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa các công trình hạ tầng cơ sở. Đồng chí Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nguồn vốn này, xã đã thực hiện xây dựng 1,8km kênh mương tại các xóm: Vang, Chiểm 1, Hòa Bình 2; gần 2km đường bê tông liên xóm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, thông thương hàng hóa và phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giúp xã tiến gần hơn đến đích nông thôn mới.
Ngoài đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2016, đã hỗ trợ tổ chức 7 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 390 lượt người tham gia, hỗ trợ gần 89 tấn phân bón các loại và trên 3.600 máy móc, thiết bị các loại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Để giúp bà con lựa chọn được những cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình để bà con thực hiện, học tập và nhân rộng. Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản tại xã Bản Ngoại cũng là một trong những mô hình được hỗ trợ từ Chương trình 135 cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Mô hình được triển khai từ năm 2016, tổng kinh phí thực hiện gần 231 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, nhân dân đối ứng gần 81 triệu đồng. Số hộ tham gia mô hình là 10 hộ, quy mô thực hiện là 245 đôi chim bồ câu. Hiện nay, số chim này đang phát triển tốt và đã được nhân đàn lên gần 1.000 đôi, đồng thời thu hút thêm nhiều hộ tham gia nuôi.
Ngoài hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, phương thức sản xuất, huyện đã quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, xóm đặc biệt khó khăn, qua đó, trình độ dân trí và năng lực quản lý của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp xã được nâng lên. Nói đến những cái được từ việc triển khai thực hiện Chương trình 135 ở Đại Từ, đầu tiên phải kể đến sự thay đổi căn bản về nhận thức, năng lực điều hành cho đội ngũ cán bộ cấp xã, nâng cao nhận thức và ổn định tư tưởng của nhân dân. Tiếp đó cơ sở hạ tầng ở các xã, xóm được đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế... được mở rộng quy mô, phục vụ đời sống, sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp nhiều hộ đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi được thoát nghèo. Sự hỗ trợ này thực sự trở thành đòn bẩy để giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo.