Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: Không nói suông (Kỳ 1)

10:50, 08/09/2017

 “Đồng hành, hỗ trợ” là quan điểm, cũng là phương châm chỉ đạo mà cấp ủy, chính quyền của tỉnh dành cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn những năm qua, nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, giúp DN phát triển. Quan điểm này ngày càng khẳng định được sự đúng đắn khi cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động hưởng ứng “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cho DN. Thực tế này cho thấy, từ chỗ bị coi là đối tượng quản lý, hiện nay DN đã trở thành đối tượng phục vụ, hỗ trợ của chính quyền các cấp trong tỉnh.

Đi ra từ chính sách có lợi nhất cho doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế đặc thù hỗ trợ DN về giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề cho lao động, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ tái đầu tư... Tỉnh cũng xây dựng cụ thể các chính sách hỗ trợ đối với từng lĩnh vực mà DN đầu tư như: Hỗ trợ với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng chợ nông thôn; xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đầu tư khai thác bến xe khách...
 

Trong số những yếu tố mà DN cần nhất kể cả khi bắt đầu khởi nghiệp lẫn trong quá trình hoạt động ổn định, phát triển thì yếu tố đất đai, tín dụng và thuế luôn đứng ở top đầu. Thực tế cho thấy, cả 3 yếu tố này đều được tỉnh cụ thể hóa bằng những chính sách, cơ chế và hành động cụ thể, cũng là nhằm hiện thực hóa tối đa các chính sách chung mà Nhà nước quy định. Từ đó, không chỉ tạo ra hành lang ưu tiên cho DN hoạt động mà còn giúp chính quyền các cấp có trách nhiệm đồng hành, chia sẻ với DN khi gặp khó khăn.

Từ lĩnh vực đất đai

Đất đai, mặt bằng được xem là một trong những điều kiện khởi đầu quan trọng nhất của hầu hết DN. DN có khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh được hay không phụ thuộc không nhỏ vào vị trí, diện tích đất đai. Thực tế trong cả nước cho thấy, không ít DN đã phải bỏ dở kế hoạch đầu tư hoặc phá sản ý tưởng kinh doanh chỉ vì vướng mắc về thủ tục mặt bằng.

Nhận thấy đây là vấn đề quan thiết đối với đại bộ phận DN, nên ngoài việc quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng trong lĩnh vực này cho các DN. Đối với nhà đầu tư trong nước, tỉnh áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất theo khung quy định. Đồng thời hỗ trợ 100% tiền thuê đất từ 4-6 năm và 50% cho 4-6 năm tiếp theo với các dự án đầu tư mới theo cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư của tỉnh. Với những dự án đầu tư tại vùng khó khăn sẽ được hỗ trợ thêm 100% tiền thuê đất từ 1-3 năm. Ngoài ra, với nhà đầu tư sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu xây dựng nhà ở công nhân cũng được tỉnh hỗ trợ tiền thuê đất. Với nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh áp dụng hỗ trợ giá thuê đất giảm 50% so với mức giá trong khung hỗ trợ chung của Chính phủ, đồng thời miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, miễn tiền thuê đất trong 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động…

Một trong những minh chứng mà chúng tôi muốn đề cập đó là Nhà đầu tư Samsung, cách đây gần 4 năm, khi Tập đoàn này đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Ngoài hỗ trợ các khoản thuế phải nộp, nhà đầu tư này còn được hỗ trợ tới 50% tiền thuê hạ tầng, với tổng diện tích hỗ trợ tối đa là 70ha. Nhờ cơ chế này mà Samsung có thêm điều kiện, động lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quy mô lớn vào tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định, những kiến nghị về đất đai của DN thành viên ngày càng giảm. Bởi, ngoài cơ chế trong thu hút đầu tư ban đầu, tỉnh còn quan tâm gỡ khó về đất đai cho từng trường hợp vướng mắc cụ thể trong quá trình hoạt động, giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Đến hoạt động tín dụng

Vốn vẫn được ví là huyết mạch của nền kinh tế. Ở một phạm vi hẹp hơn, vốn được xem là nhân tố có tính quyết định đến sự thành bại của mỗi DN. Trên thực tế, không ít DN đã phải khốn đốn vì thiếu vốn, chạy vạy vay mượn khắp nơi, trong đó không loại trừ phải vay nặng lãi. Bởi vậy, giúp DN có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn “sạch” một cách thuận lợi nhất rất cần chính sách hỗ trợ và ưu đãi của hệ thống ngân hàng.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Một trong những thành công lớn nhất của ngành ngân hàng thời gian qua chính là đã đưa được mặt bằng lãi suất về với mức thấp hơn cả thời kỳ nền kinh tế ổn định, giai đoạn 2003-2005. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, lãi suất liên tục được điều chỉnh theo xu hướng giảm, trung bình mỗi năm từ 0,5-1%/năm. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức 6-9% ở kỳ ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%/năm.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng dành nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất, phí giao dịch, đánh giá tài sản đảm bảo đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, mà đối với Thái Nguyên, tập trung chủ yếu ở 3 khu vực: DN nông nghiệp - nông thôn; DN nhỏ và vừa; DN xuất khẩu. Tuy nhiên, để được hưởng sự ưu đãi này, điều kiện đi kèm vẫn là những DN xếp hạng tín nhiệm cao.

Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Thực tế cho thấy, chỉ khi khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì ngân hàng mới tồn tại và phát triển. Bởi thế, khi các DN gặp khó khăn thì các ngân hàng sẽ không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, thời gian qua, giữa ngân hàng và DN ngày càng chủ động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với nhau nhiều hơn. Và các chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng đối với DN cũng được đề xuất triển khai từ đó.

Thời gian qua dù chưa thực sự phát huy hiệu quả, song việc tỉnh cho ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa cũng được xem là một trong những cơ chế hữu ích. Với số vốn được cấp, hiện Quỹ có thể thực hiện bảo lãnh cho DN vay với số tiền lên tới 150 tỷ đồng. Tính đến nay, Quỹ đã 2 lần thực hiện bảo lãnh cho DN. Theo lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, tới đây, Quỹ này sẽ phải có những thay đổi về điều kiện cho vay thì mới phù hợp với tiêu chí mà Quỹ hướng đến.

Và chính sách thuế

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên: Cơ chế, chính sách hỗ trợ DN mà tỉnh và các ngành đã và đang áp dụng giống như chất xúc tác giúp DN có điều kiện phát triển hơn. Cộng đồng DN đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm có thêm nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với từng lĩnh vực cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế giải quyết các thủ tục hành chính vì khu vực này vẫn còn không ít hạn chế.
Ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Ngành Thuế Thái Nguyên đang triển khai thực hiện chương trình "Đồng hành cùng DN khởi nghiệp" với các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho DN khởi nghiệp. Theo đó, các DN mới thành lập sẽ được nhận hỗ trợ về các thủ tục hành chính thuế ban đầu một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi quyết tâm, không để DN vì khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế mà ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian mới ra kinh doanh.   

Ngay từ khi thành lập và có phát sinh nguồn thu cũng là lúc DN phải thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, chính sách thuế thay đổi thường xuyên, vai trò chủ động kê khai, nộp thuế của DN ngày càng nâng lên, hoạt động thanh, kiểm tra thuế được tăng cường khiến DN mất nhiều thời gian mà vẫn không tránh khỏi lo lắng. Do đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế được xem là cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của mỗi DN.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh, trong những năm qua, cộng đồng DN, ngoài được hỗ trợ kịp thời để nắm bắt các văn bản, chính sách mới liên quan còn được giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về thuế. Ngành thuế thực hiện tối đa việc công khai hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế. Nếu trước đây, thủ tục hoàn thuế cho DN mất 5 ngày thì nay được rút ngắn xuống còn 3 ngày; kiểm tra trước hoàn thuế từ 40 ngày giảm còn khoảng 10 ngày; thời gian thanh tra công khai đối với vụ việc bình thường 30 ngày nay còn 20 ngày, với vụ việc phức tạp từ 60 ngày nay chỉ còn 40 ngày. Toàn ngành Thuế phấn đấu đến năm 2020, giảm thời gian nộp thuế còn tối đa là 110 giờ/năm (giảm trên 440 giờ so với năm 2014 và giảm khoảng 20 giờ so với hiện nay).

Cùng với đó, một số DN đặc thù đã được áp dụng chính sách miễn giảm thuế theo cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là Tập đoàn Samsung và các DN phụ trợ của Samsung. Cụ thể, HĐND tỉnh đã thông qua cơ chế ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% cho Samsung (các doanh nghiệp khác là 25%) trong 30 năm kể từ khi đơn vị này bắt đầu hoạt động; miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm tới 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, một số khoản thuế, phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư của Samsung cũng được ưu tiên miễn, giảm...
(Còn nữa)