Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: Không nói suông (Kỳ II)

08:48, 10/09/2017

Dù chính sách có tốt mà không được thống nhất triển khai thực hiện, hoặc “trên thông, dưới chưa thoáng” thì chính sách đó vẫn chỉ là lý thuyết suông. Để không rơi vào tình trạng ấy, thời gian qua, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tín dụng, hiệp hội doanh nghiệp (DN)… của tỉnh đã tích cực tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với DN, để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Khi đối thoại được tăng cường

 

Gặp gỡ, trao đổi được cho là giải pháp hữu ích nhất để chính quyền hiểu hơn về hoạt động của DN, từ đó có sự chia sẻ, hỗ trợ DN khi cần thiết, cũng là cơ sở để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Bởi vậy, những năm qua, các chương trình gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với DN được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm, có trên dưới 10 cuộc gặp gỡ, đối thoại cấp tỉnh; trên 50 cuộc trao đổi chuyên đề cấp sở và hàng trăm cuộc gặp gỡ, giải quyết vướng mắc ở cấp huyện, xã.

 

Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội DN huyện Đồng Hỷ: Thời gian qua, những vướng mắc mà các DN gặp phải đều được chính quyền các cấp quan tâm tập trung giải quyết. Cơ bản các đề nghị của DN đều được xem xét, giải quyết hoặc trả lời. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn thấy DN phản ánh gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, chưa được cơ quan này, cơ quan kia xem xét, tạo điều kiện. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa để các DN có thêm nhiều cơ hội phát triển.  

Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải: Nếu như trước đây, cơ quan thuế luôn có thái độ “bề trên”, tìm cách “bới móc” những thiếu sót trong thực hiện nghiệp vụ thuế của DN; nhân viên thuế được cho là “ban phúc” mỗi khi bỏ qua lỗi nào đó cho DN, thì nay, cơ quan Thuế đã thực sự trở thành bạn đồng hành của DN. Ngoài ra, tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra giữa Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế đã không còn, khiến DN giảm được rất nhiều áp lực.

Gần đây nhất, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với Hiệp hội DN tỉnh; UBND tỉnh đã làm việc với đại diện các DN, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị để nắm bắt thông tin liên quan và trực tiếp giải đáp thắc mắc của DN. Qua Hội nghị, người đứng đầu UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa việc gặp gỡ, trao đổi với DN, không để tình trạng vì sự tắc trách của cán bộ, hay cơ chế chính sách thiếu hợp lý mà làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Một trong những ngành đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến đó là ngân hàng. Tính từ năm 2014 đến nay, thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - DN, đã có hàng trăm hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với DN được tổ chức. Qua đó, đã có 1.166 khách hàng là DN, HTX được hưởng lợi từ Chương trình, với số tiền cam kết hỗ trợ lên tới gần 53 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới trên 17 nghìn tỷ đồng; cơ cấu lại nợ 274 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay trên 11 nghìn tỷ đồng và nâng hạn mức tín dụng trên 21 nghìn tỷ đồng.

Về phía cấp ủy, chính quyền, sau mỗi lần gặp gỡ, đối thoại, là một lần hiểu hơn về sự điều hành, các chính sách và cả cách phân công, bố trí cán bộ... đã hợp lý hay chưa. Còn nhớ, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN được UBND tỉnh tổ chức cuối năm 2014, ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt (T.P Thái Nguyên) đã thẳng thắn: Trong khi tài sản trên đất của DN có thể trị giá đến vài tỷ đồng, nhưng do không phải là nhà xây kiên cố, nên không được cơ quan chức năng xác nhận có tài sản trên đất, khiến việc vay vốn ngân hàng của DN gặp khó khăn. Còn ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho rằng, việc đánh giá tài sản đảm bảo của các ngân hàng được cho là quá chắc chắn nên DN chưa được vay vốn với tỷ lệ tương xứng…

Gần đây hơn, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND tỉnh với DN, ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã chỉ ra rằng, có thời điểm, DN bị quá tải về hoạt động thanh, kiểm tra, với số lượng trung bình mỗi tháng có 1 đoàn, trên đủ các lĩnh vực. Hay ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty CP Hải Đăng chia sẻ, DN từng bị cán bộ thẩm định của một cơ quan Nhà nước ém hồ sơ để vòi vĩnh. Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thép Vân Cường chỉ ra một thực tế tuy không phải là phổ biến trong hoạt động tín dụng, đó là tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” ở số ít ngân hàng thương mại cổ phần, khi mà lãi suất được quảng cáo với DN rất hấp dẫn, nhưng khi trả, ngân hàng lại tính cao hơn. Hay tại cuộc gặp gỡ trao đổi của huyện Đồng Hỷ với DN gần đây, ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Mỏ đá Núi Voi đề nghị huyện cần quan tâm hơn đến giải quyết vướng mắc về đất đai, nếu không rất có thể DN phải dừng hoạt động.

Trên đây chỉ là một số ý kiến được DN đưa ra trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với chính quyền, các sở, ngành trong tỉnh thời gian qua. Nhiều trong số này đã và đang được quan tâm giải quyết, nhưng cũng vẫn còn những vướng mắc chưa được xử lý triệt để do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thấu hiểu, đồng hành sẽ nhiều hơn

Trường hợp điển hình mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây chính là sự vực dậy ngoạn mục của một DN tưởng chừng đã đứng bên bờ vự phá sản nhưng nhờ có các ngân hàng chung tay hỗ trợ nên đã qua khỏi cơn bĩ cực - đó là Công ty CP Cán thép Thái Trung (TTR). Ông Trần Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty tâm sự: Để có được sự ổn định như hiện nay, chúng tôi thực sự biết ơn các chi nhánh ngân hàng, nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên.

 Nhà máy Cán thép Thái Trung có công suất 50 vạn tấn/năm, được triển khai xây dựng cuối tháng 8-2008, với tổng mức đầu tư gần 1.270 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có tham gia 508 tỷ đồng (chiếm 40% tổng mức đầu tư), số còn lại là vốn vay tại các tổ chức tín dụng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành trong 3 năm. Tuy nhiên, sau khi dự án triển khai được 1 thời gian, nền kinh tế nói chung, ngành Thép nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, khiến các cổ đông không có khả năng góp thêm vốn. Điều này khiến Dự án khó có khả năng hoàn thành. Trước thực tế này, các ngân hàng cùng chủ đầu tư đã có nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm các giải pháp. Với sự đồng hành của 6 chi nhánh ngân hàng, trong đó BIDV Thái Nguyên là đơn vị đầu mối đã giúp cổ đông lớn nhất của TTR là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) không chỉ hoàn thành nghĩa vụ góp vốn của mình mà còn có điều kiện mua hết số cổ phần phát hành cho các cổ đông sáng lập khác, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu TTR của mình lên trên 68%.

Chưa dừng lại ở đó, khi Dự án bắt đầu đi vào hoạt động, Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đầu ra cũng như vấn đề tài chính do áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án là rất lớn. BIDV Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc gặp giữa ba bên gồm Ngân hàng, khách hàng và TISCO để đưa ra định hướng tốt nhất cho Công ty trong quản lý tài chính cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, như thay đổi về nhân sự, tìm kiếm đơn hàng và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp; giảm lãi suất cho vay, đồng thời tài trợ hơn 200 tỷ đồng vốn lưu động để Công ty có thể duy trì sản xuất ổn định. Ngoài ra, BIDV Thái Nguyên và các ngân hàng thành viên đã đồng thuận, thực hiện cơ cấu điều chỉnh lịch trả lãi và gia hạn kéo dài thời hạn trả nợ đối với dự án của Công ty.

Sau khi thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, từ năm 2016 đến nay, hoạt động của Công ty đã đi vào ổn định, phát triển. Đời sống người lao động từng bước được nâng cao, với mức thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 3 lần so với năm 2013; được tham gia đóng các loại bảo hiểm theo quy định. Đến nay, Công ty đã trả được trên 260 tỷ đồng tiền nợ gốc. Do đó, số tiền lãi phải trả cho các ngân hàng hàng tháng hiện nay của Công ty đã giảm đi đáng kể.

Trong các lĩnh vực, ít lĩnh vực nào mà các chính sách lại có sự thay đổi nhanh và nhiều như ngành Thuế, nhất là thời gian gần đây. Tuy nhiên, thực tế này cũng khiến không ít kế toán của nhiều DN gặp khó khăn trong cập nhật dữ liệu. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ lại thường xuyên thay đổi kế toán hoặc tuyển kế toán mới chưa có kinh nghiệm. Thấu hiểu điều này, ngành Thuế đã tăng cường các buổi tập huấn, đối thoại, đặc biệt là về lĩnh vực kế toán; sẵn sàng hỗ trợ qua điện thoại hoặc trả lời bằng văn bản khi DN có yêu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng Phòng Kiểm tra thuế số 1 (Cục Thuế tỉnh), không ít DN, nhất là DN vốn FDI khi vào địa phương còn chưa biết cách kê khai hoặc kê khai thiếu phần phát sinh nghĩa vụ ngân sách, khi kiểm tra phát hiện ra đáng lẽ phải xử phạt, nhưng cán bộ thuế đã tiếp cận, hướng dẫn để DN hiểu ra và chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ với Nhà nước.

Một trường hợp khác, Doanh nghiệp Tư nhân Xưởng Anh mới đây được cấp phép và đưa vào khai thác tuyến xe bus số 08 từ xã Bình Long (Võ Nhai) đi khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Tuy nhiên, DN này thường xuyên bị một số đối tượng dùng đá ném vỡ kính xe hoặc đặt chông nhọn làm xịt lốp xe tại khu vực thuộc huyện Đồng Hỷ. Trước tình trạng này, DN đã phải “cầu cứu” đến chính quyền sở tại. Ngay lập tức cơ quan Công an và các lực lượng chức năng của huyện Đồng Hỷ đã vào cuộc tìm ra thủ phạm, lấy lại công bằng và sự yên ổn kinh doanh cho DN. Ông Đặng Văn Xưởng, Giám đốc DN Tư nhân Xưởng Anh cho biết: Việc nhanh chóng giải quyết khó khăn cho DN của huyện Đồng Hỷ khiến chúng tôi rất vui mừng và biết ơn. Tôi biết nhiều nơi DN ý kiến mãi một vấn đề mà không được giải quyết.

Theo đánh giá của Hiệp hội DN tỉnh, không chỉ được hỗ trợ về thuế, tài chính, thời gian qua cộng đồng DN trong tỉnh còn được hỗ trợ rất nhiều trong từng lĩnh vực cụ thể. Mỗi năm, các DN được ngành Công Thương hỗ trợ hàng chục cuộc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; được Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư, chấp thuận và cấp phép đầu tư; được Sở Tư pháp hỗ trợ tư vấn pháp luật; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ tư vấn việc làm, lao động và bố trí nguồn nhân lực; Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ công nghệ thông tin; Sở Tài nguyên - Môi trường hỗ trợ tiếp cận đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, các DN còn được các cấp chính quyền, tổ chức Hiệp hội, hội DN hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo sản xuất, kinh doanh bình đẳng...