Tại buổi gặp gỡ, trao đổi mới đây với cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn, chính quyền huyện Đồng Hỷ đã tiếp nhận nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị thẳng thắn của DN. Trong đó đáng chú ý có ý kiến của đại diện Công ty CP Cơ điện Luyện kim (Công ty LK) và Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP (Công ty HP) về việc tạo điều kiện đất đai, mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài trực tiếp trả lời làm rõ vấn đề, UBND huyện Đồng Hỷ đã có ngay văn bản đề nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết nguyện vọng chính đáng của DN.
Trước đó, Báo Thái Nguyên đã đăng tải bài viết “DN mong được tạo cơ hội” phản ánh những khó khăn mà hai DN trên đang gặp phải. Cụ thể, Công ty LK đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty HP để xây dựng trạm trộn bê tông trên diện tích đất thuộc Mỏ đá Núi Voi (thị trấn Chùa Hang) - đơn vị thành viên thuộc Công ty LK. Phía Công ty LK cung cấp nguyên liệu đầu vào, còn Công ty HP sản xuất bê tông đầu ra. Tuy nhiên, theo quy định tại thời điểm đó việc ký kết trên là không phù hợp, nên Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã yêu cầu các bên phải tiến hành thanh lý hợp đồng đã ký. Từ đó, khó khăn chồng chất khó khăn đối với cả hai Công ty nói trên.
Với Công ty LK hiện tại các sản phẩm chính là đá các loại và vôi luyện kim đang tồn kho tới trên 100.000m3 do mất nguồn tiêu thụ từ doanh nghiệp ký liên doanh. Phía Công ty HP vì đã đầu tư hạ tầng tại đây trên 50 tỷ đồng, giờ phải dừng sản xuất nên gặp không ít khó khăn. Nhiều hợp đồng cung cấp bê tông tươi có giá trị lớn của đơn vị có nguy cơ gián đoạn, bị chủ đầu tư phạt hợp đồng, gây thiệt hại lớn. Theo các nhà chuyên môn, nếu bắt buộc phải di dời, chắc chắn phía DN liên doanh sẽ phá sản.
Trong khi đó, theo quy định mới của Chính phủ thì từ ngày 3-3-2017, việc Công ty LK ký hợp tác liên doanh với Công ty HP trên cơ sở góp vốn bằng mặt bằng, hạ tầng lại hoàn toàn được phép. Bởi vậy, sau khi hoàn tất việc thanh lý hợp đồng cũ, mới đây Công ty LK đã tiến hành ký hợp đồng liên doanh mới với Công ty HP theo đúng quy định hiện hành với thời hạn 50 tháng. Sau khi ký, hai DN này đã có ý kiến đề nghị với chính quyền địa phương xem xét tạo điều kiện để các DN thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng đã ký.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ khẳng định: Những kiến nghị, đề xuất của hai DN nói trên là hoàn toàn chính đáng vì thực tế, việc liên doanh, liên kết sẽ không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho DN mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tránh gây lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, việc DN liên doanh không làm phương hại gì đến xã hội hoặc ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Huyện đã có văn bản báo cáo và đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai DN nói trên, đảm bảo hợp tành, hợp lý.
Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ: Được biết, UBND tỉnh cũng đang xem xét cụ thể đối với trường hợp này trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Việc tỉnh sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN chính là thực hiện theo phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ DN” mà Thủ tướng Chính phủ phát động cuối năm 2016. Hiệp hội DN tỉnh sẽ có trách nhiệm cùng với chính quyền chung tay bảo vệ quyền lợi DN.
Được biết, hợp đồng liên doanh giữa hai DN nói trên vừa được ký trên cơ sở bên A (Công ty LK) góp vốn bằng cả tài sản không xác định giá trị (hệ thống đường nội bộ, thoát nước, kho bãi, điện) và tài sản xác định giá trị (gần 300 triệu đồng). Bên B (Công ty HP) góp vốn bằng toàn bộ dây chuyền thiết bị trạm trộn, bơm bê tông, thiết bị vận chuyển xúc bốc thuộc quyền sở hữu của mình để phục vụ quá trình sản xuất bê tông.