Đó là suy nghĩ của anh Trần Minh Tiến, Phân xưởng sửa chữa, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn về lao động, sáng tạo. 10 năm công tác tại Công ty, anh Tiến đã có 12 sáng kiến, hợp lý hóa giúp giải phóng sức lao động, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.
Dù là ngày nghỉ nhưng anh Tiến vẫn đến Phân xưởng để kiểm tra lại hiệu quả sáng kiến mới nhất của mình – “Chế tạo bộ bạc lót cho bơm bổ sung”. Anh Tiến cho hay: Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy, hệ thống trục nối trong bơm bổ sung thường xuyên bị mòn gây hỏng hóc. Mỗi lần như vậy, Công ty thường phải thay cả hệ thống trục và bạc lót đi kèm, giá thành mỗi bộ khoảng 10 triệu đồng. Quá trình sửa chữa và trao đổi với đồng nghiệp, chúng tôi phát hiện có thể thay thế ống bạc lót của thân trục ở vị trí bạc bơm mà vẫn bảo đảm hoạt động của hệ thống. Phương pháp này có ưu điểm là thời gian gia công bạc lót ngắn hơn, bố trí vật tư nhanh mà chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc thay thế toàn bộ hệ thống trục.
Sáng kiến này của anh Tiến và đồng nghiệp đã được Hội đồng kỹ thuật Công ty đánh giá cao và đã được đưa vào ứng dụng ngay trong những tháng đầu năm 2017. Ngoài sáng kiến trên, trong những năm qua, anh Tiến đã cùng đồng nghiệp chủ động nghiên cứu, tìm tòi và đề xuất nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu suất thiết bị. Trong đó, tiêu biểu là các đề tài: “Thay đổi thiết kế van đầu vào hệ thống vận chuyển tro bay”, “Chế tạo giá dẫn phục vụ sửa chữa chuyển bộ làm mát không khí máy phát”, “Chế tạo bạc lót phớt chắn dầu quạt làm mát tro” giúp khắc phục hiện tượng rò dầu, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường…
Học Trường Cao đẳng nghề Cơ điện – Luyện kim Thái Nguyên, dù không phải là kỹ sư được đào tạo chính quy nhưng với sự tìm tòi, nghiên cứu, học tập kiến thức, kinh nghiệm sửa chữa máy móc, anh Tiến đã đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích cho công việc. Ngoài giờ làm việc ở Công ty, anh Tiến còn tranh thủ tìm đến những thợ máy tay nghề cao ở bên ngoài để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Trong công việc, anh Tiến thường xuyên mày mò nghiên cứu, đề xuất thực hiện các sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất với lãnh đạo Công ty để cải tiến chất lượng công việc. Là thợ tiện bậc 5/7, công việc chính là sửa chữa trong xưởng nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, anh Tiến lại cũng đồng nghiệp đến tận nơi đặt máy móc để tìm hiểu cơ chế vận hành, nắm rõ quy trình hoạt động, hỏng hóc để tìm phương án sửa chữa, cải tạo hợp lý.
Trong những sáng kiến của mình, anh Tiến tâm đắc nhất là đề tài “Chế tạo bộ van đầu vào của hệ thống vận chuyển tro bay - ESP” mà anh cùng với một số đồng nghiệp thực hiện. Anh chia sẻ: Van đầu vào là một tổ hợp van với nhiều chi tiết. Trong quá trình vận hành, các phần như: mặt cầu, gioong, pít tông tịnh tiến thường xuyên bị bị hỏng. Có khi tần suất hỏng lên đến 1 lần/ngày. Mỗi lần như vậy, công việc sửa chữa của anh em công nhân rất vất vả, quá trình sữa chữa, thay mới thiết bị cũng rất tốn kém. Kể cả sau khi khôi phục, năng suất hoạt động của hệ thống máy cũng bị giảm sút. Thêm nữa, lượng tro còn lại trên tuyến đường ống sẽ bị tắc nghẽn khi sửa chữa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Từ thực tế đó, cùng với 3 đồng nghiệp khác, anh Tiến đã lên ý tưởng và thực hiện đề tài “Chế tạo bộ van đầu vào của hệ thống vận chuyển tro bay - ESP”. Với việc tạo mới hoàn toàn bộ van đầu vào của hệ thống ESP đã giúp nâng cao tính năng vận hành của thiết bị, rút ngắn thời gian sửa chữa, giảm thiểu sự cố xảy ra đối với thiết bị trong hệ thống lọc bụi tĩnh điện, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Đến nay, Công ty nhiệt điện Cao Ngạn đã đưa sáng kiến này vào vận hành hơn 2 năm, với 16 bộ đã được chế tạo, lắp đặt cho các hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Nhiều công nhân Phân xưởng sửa chữa đều đánh giá, từ khi sáng kiến được đưa vào vận hành, công việc sửa chữa thiết bị đã được bớt đi rất nhiều. Đồng thời, tính ưu việt của bộ van đầu vào mới còn thể hiện ở chỗ lượng tro bụi bay ra trong quá trình sữa chữa giảm, công nhân ít bị ảnh hưởng.
Trò chuyện với chúng tôi về việc sáng tạo của công nhân, người lao động, anh Tiến bày tỏ quan điểm: Tôi cho rằng công nhân không có nghĩa vụ phải sáng tạo mà đó là quyền lợi của bản thân họ. Những sáng tạo xuất phát từ mong muốn cải tiến năng suất lao động, chất lượng công việc của chính mình. Trong Công ty, hàng năm, có rất nhiều sáng kiến, dù giá trị kinh tế nhỏ nhưng hiệu quả công việc mang lại thì rất lớn. Do vậy, sáng kiến là lựa chọn, quyền lợi của mỗi người lao động.
Ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đánh giá: Trong mọi hoạt động của đơn vị, anh Tiến luôn nhiệt tình và tích cực tham gia. Còn trong lao động sản xuất, anh Tiến luôn là công nhân cần mẫn, chịu khó tìm tòi học hỏi và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất. Những sáng kiến, hợp lý hóa của anh đã mang lại nhiều lợi ích cho Công ty, góp phần giảm chi phí sửa chữa, nâng cao tuổi thọ thiết bị, giải phóng sức lao động, bảo vệ môi trường... Giá trị những sáng kiến này mang lại ước đạt hàng tỷ đồng.
Với những thành tích đạt được, anh Tiến đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo và được Chủ tịch nước tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 2017, anh Tiến vinh dự là 1 trong 377 đại biểu tham dự Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc.