Cho vay vốn thông qua Quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế: Một vốn đã sinh bốn lời

14:36, 23/10/2017

Trong 4 năm qua, đã có gần 180 hộ dân ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo hoặc không thuộc diện ảnh hưởng, nhưng tạo việc làm và thu nhập cho lao động bị ảnh hưởng bởi Dự án thuộc 5 xã (Hà Thượng, Tân Linh, Phục Linh, Cát Nê, thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ) đã được vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đại Từ để đầu tư phát triển kinh tế. Hơn 6 tỷ đồng đã được giải ngân với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ (vay trước ngày 4-7-2013) và 50 triệu đồng/hộ (vay sau ngày 4-7-2014).

Tính đến hết 30-9-2017, 100% số hộ trả lãi đúng hạn, không có nợ xấu. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào sản xuất, cải tạo chè; chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở dịch vụ buôn bán... Qua khảo sát, cơ bản các hộ đã phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, có một số hộ còn tạo được việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng.

Đây là kết quả của mô hình Qũy vốn vay phục hồi kinh tế cho người dân ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo được thực hiện từ năm 2013 của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining). NuiPhao Mining đã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện Đại Từ  thực hiện chương trình tín dụng vi mô nhằm hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ phục hồi kinh tế với lãi suất ưu đãi theo quy định của Ngân hàng.

Chị Hoàng Thị Thanh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đại Từ cho biết: NuiPhao Mining là doanh nghiệp đầu tiên ở Thái Nguyên thực hiện ủy thác tín dụng chính sách cho Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn của NuiPhao Mining được Ngân hàng quản lý, cho vay đúng đối tượng, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện. Quỹ phục hồi kinh tế của NuiPhao Mining tạo lên làn sóng mới về xã hội hóa các nguồn lực bên ngoài đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện nói riêng cũng như toàn tỉnh để cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng như các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế. Việc làm này được tỉnh, huyện đánh giá cao; một số doanh nghiệp cũng như ngân hàng bạn đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm...

Chị  Bùi Thị Hiên, ở xóm Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn là một trong những người được vay vốn từ nguồn Quỹ phục hồi kinh tế của NuiPhao Mining cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, phải bàn giao hơn 700m2 đất nông nghiệp. Năm 2015, tôi đã được vay 30 triệu đồng để đầu tư vào trồng thay thế chè trung du bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao như TRI 777, Bát Tiên, Lai 1... Trước kia, tôi không có tiền đầu tư chăm sóc chè nên chỉ thu 30kg chè búp khô/lứa thì nay đạt hơn 1tạ/lứa, nhờ đó cuộc sống ổn định hơn trước. Tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn ở mức cao hơn nữa.” Anh Nguyễn Đăng Tư, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Linh cũng mong muốn, thời gian tới, Đoàn xã sẽ được Nuiphao Mining quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế để có thể giải quyết cho khoảng 30% số đoàn viên trong xã (toàn xã có 170 đoàn viên) thuộc các xóm ảnh hưởng bởi Dự án được vay với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế...

Nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về hiệu quả đồng vốn vay từ Quỹ phục hồi kinh tế sau chặng đường 4 năm để rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tiếp theo, hôm 19-10 vừa qua, NuiPhao Mining đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức Hội thảo đánh giá. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng tình với kết luận: Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế đã mang lại hiệu qủa kinh tế, gia tăng thu nhập, tạo thêm việc làm và có những tác động tích cực đến người hưởng lợi. Tuy nhiên, đề nghị NuiPhao Mining tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn vốn; nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng vay vốn...

Quỹ vốn vay chỉ là một trong số những chương trình phục hồi kinh tế mà NuiPhao Mining đã thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua nhằm thực hiện cam kết chia sẻ lợi ích bằng các hoạt động kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng vùng Dự án.