Những ngày này, cán bộ và nhân dân xã Điềm Mặc (Định Hóa) đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục thể thao và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích đồi Hoàng Ngân - nơi thành lập Đoàn Phụ nữ cứu quốc (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đi trên những con đường bê tông uốn theo sườn núi, đồi chè, đồi cọ rồi băng qua cánh đồng lúa vàng óng đang chờ thu hoạch, chúng tôi nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Điềm Mặc là xã thuần nông, diện tích rộng với nhiều đơn vị xóm (28 xóm) nhưng lại ít dân. Toàn xã hiện có hơn 1.300 hộ với 4.800 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, do hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, người dân lại thiếu kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Để địa phương từng bước đi lên xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ xã xác định nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, ngành để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về cơ sở hạ tầng. Vốn là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, khi xã bắt đầu triển khai thực hiện các tiêu chí theo Chương trình XDNTM đã được bà con nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thể hiện bằng việc đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà văn hoá, đường giao thông. Đồng thời, để ghi nhận, động viên và nhân rộng tinh thần tự nguyện đóng góp của bà con, khoảng 4 năm nay, xã đều khen thưởng “tấm lòng vàng” cho các hộ dân vào ngày đại đoàn kết toàn dân. Riêng từ đầu năm đến nay, đã có gần 100 hộ dân hiến đất với diện tích hơn 6.000m2., đóng góp hàng chục triệu đồng, góp phần cứng hoá được 70% các đường trục xã, trục xóm...
Kết quả nổi bật của xã trong thời gian qua là thu hút được các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2015 đến nay, xã thu hút được 11 dự án với tổng kinh phí 57 tỷ đồng. Điển hình nhất là công trình hồ chứa nước Đồng Lá được khởi công xây dựng năm 2015 (kinh phí hơn 40 tỷ đồng), dự kiến sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Với quy mô diện tích mặt nước 11ha, công trình sẽ cung cấp nước tưới cho 70ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 10 xóm, đồng thời phục vụ nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường sinh thái cho người dân. Ông Đoàn Viết Hưởng cho biết: Trước đây, khu vực xóm tôi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, trong khi đó, đa số người dân nơi đây đều sống dựa vào cây chè nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tưới tiêu, chăm sóc chè. Nay, công trình hồ chứa nước được xây dựng, chúng tôi rất vui mừng và sẽ không phải lo về nguồn nước nữa.
Ngoài ra, trên địa bàn xã có 6 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 5km mới được hoàn thành ở các xóm Đồng Lá 1, 4, Bản Giáo, Bản Tiến…, giúp người dân đi lại thuận tiện. Cùng với đó là một số hạng mục phụ của trụ sở xã, 2 công trình trường học (Trường THCS Hoàng Ngân và Trường Mầm non) đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của xã.
Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân trong việc phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi giống cây trồng vật nuôi. Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, vốn sản xuất. Riêng 9 tháng năm 2017, xã đã tổ chức được 8 lớp tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè, cây bưởi, thu hút được hơn 200 lượt người tham gia. Với hơn 400ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngoài thâm canh tăng vụ, bà con tích cực đưa giống lúa lai vào gieo trồng. Chè cũng là cây trồng mũi nhọn, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Những năm gần đây, người dân trong xã đã chuyển đổi diện tích chè trung du cho năng suất thấp sang trồng các loại chè giống mới, năng suất cao. Toàn xã có 230 ha chè, năng suất đạt 90 tạ/ha. Đặc biệt, xã vừa được tỉnh công nhận hai làng nghề chè xóm Song Thái 1 và Song Thái 2 góp phần mở ra nhiều cơ hội để người dân nâng cao giá trị sản phẩm chè nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tận dụng diện tích đất tự nhiên, đồi bãi xã chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá. Hiện tổng đàn gia súc trên 2.200 con, gia cầm hơn 37.000 con. Với 24 điểm di tích lịch sử (trong đó 5 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh) và có Bản Quyên - bản đang được tỉnh đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái sẽ tạo điểm nhấn cho Điềm Mặc để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, qua đó thu hút khách du lịch, góp phần thay đổi đời sống nhân dân.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 18 triệu đồng/năm (2016) lên 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30%. Hiện nay xã đã đạt 12 tiêu chí NTM. Từ nay đến cuối năm 2017, xã phấn đấu đạt 2 tiêu chí là giáo dục và môi trường.