Dân Tiến (Võ Nhai) là một xã đặc biệt khó khăn với hơn 70% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Tày, Nùng…). Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo ở xã vùng cao này đang có những chuyển biến tích cực.
Nằm ở phía Nam huyện Võ Nhai, xã Dân Tiến có 13 xóm với trên 1.600 hộ, gần 6.600 nhân khẩu. Những năm trước, do đặc điểm quỹ đất canh tác ít, người dân lại chưa chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo ở xã lên tới trên 580 hộ.
Để giúp người dân từng bước thoát nghèo, xã Dân Tiến đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đặc biệt quan tâm. Chè là cây trồng chủ lực của địa phương, do đó, 5 năm qua, xã đã vận động người dân phá bỏ dần diện tích chè trung du già cỗi để trồng thay thế bằng các giống chè lai cho năng suất cao, chất lượng tốt như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 20ha chè, trong đó diện tích chè giống mới là 8ha; năng suất chè búp tươi đạt 95 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 300 tấn/năm, tăng 20% so với 2 năm trước. Cùng với đó, xã vận động bà con đưa các giống lúa lai, ngô lai vào trồng thay thế giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp. Vụ xuân năm 2017, cả xã có hơn 150ha lúa lai, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha; diện tích ngô lai đạt 364ha, năng suất đạt 45 tạ/ha, cao hơn 14% so với các giống ngô cũ.
Nhằm khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân tham gia. Từ đó đã góp phần nâng cao kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình. Anh Lê Văn Hùng, xóm Đoàn Kết cho biết: Từ những những kiến thức đã được học tại các lớp tập huấn, chúng tôi đã áp dụng thành công trên đồng ruộng cũng như trong việc chăn nuôi của gia đình. Nhờ đó, các loại cây trồng đều sinh trưởng phát triển tốt; đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng đầy đủ nên nhiều năm nay không bị dịch bệnh.
Bên cạnh việc vận động người dân chuyển đối cơ cấu cây trồng, xã Dân Tiến còn triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Cụ thể thực hiện Đề án 2037 của tỉnh (Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống), xã đã yêu cầu các xóm bình xét để việc hỗ trợ đúng đối tượng. Riêng trong năm nay, Đề án 2037 đã hỗ trợ cho 129 hộ dân 640kg giống ngô lai và trên 30 nghìn tấn phân bón các loại. Chị Lê Thị Bộ, xóm Đoàn Kết cho hay: Gia đình tôi có 8 sào đất trồng ngô. Nhờ có sự hỗ trợ này, tôi đã giảm được chi phí sản xuất. Vụ xuân năm nay gia đình tôi thu hoạch được gần 1 tấn ngô, không chỉ để phục vụ chăn nuôi mà còn dư một phần để bán.
Chương trình 135 (hỗ trợ 50% kinh phí mua cây, con giống, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp) cũng đã góp phần giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo. Năm 2016, chương trình đã hỗ trợ chi phí mua máy cắt cỏ, máy sao chè… cho 58 hộ dân tại 3 xóm Ba Phiêng, Bắc Phong, Thịnh Khánh.
Không những triển khai các chương trình, dự án hiệu quả, địa phương còn tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ cho nông dân tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Được vay vốn, nông dân đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2017, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải quyết vốn vay ưu đãi cho 493 hộ nghèo với tổng số tiền là hơn 20 tỷ đồng. Nhiều gia đình đã vay vốn để mở gia trại nuôi lợn, gà… Một trong số những hộ dân vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi, anh Lê Văn Vụ, xóm Đoàn Kết chia sẻ: Năm 2016, được xã tạo điều kiện, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn phục vụ cho chăn nuôi. Với quy mô gần 400m2, mỗi lứa chúng tôi nuôi gần 100 con lợn. Đến nay, tôi đã xuất được 3 lứa lợn, mỗi năm tôi thu nhập được gần 200 triệu đồng.
Nhờ các biện pháp trên, đến nay, số hộ nghèo của xã đã giảm 56 hộ so với năm 2016. Nhiều hộ dân đã mua được xe máy; hầu hết các trục đường giao thông của xã đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Dân Tiến vẫn còn có những hạn chế như: tỷ lệ hộ nghèo thuộc người dân tộc thiểu số còn khá cao; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, mới chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Theo ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến: Để nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; thực hiện thí điểm các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp trên của địa phương thì để công tác giảm nghèo ở Dân Tiến đạt kết quả cao hơn cũng rất cần sự nỗ lực, quyết tâm giảm nghèo của người dân nơi đây.