Hưng thịnh làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung

11:32, 19/10/2017

Được UBND tỉnh công nhận từ năm 2008, Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung từ lâu đã gắn với đời sống của người dân thôn Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) với 165 hộ tham gia. Gần một thập kỷ trôi qua, không chỉ lưu giữ những nét tài hoa của các nghệ nhân trên gỗ mà nghề mộc nơi đây còn góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng quê nghèo.

Con đường về thôn Giã Trung, xã Tiên Phong, cách trung tâm thị xã gần 10km được đổ bê tông phẳng phiu, hai bên đường những ngôi nhà cao tầng cho thấy sự trù phú của một miền quê. Không khó để nhận ra Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung khi từ xa chúng tôi đã nghe vang vọng tiếng cưa, đục, bào, tiếng máy xẻ gỗ xì xèo... Ông Dương Văn Hiến, Bí thư Chi bộ thôn Giã Trung, không giấu nổi tự hào: Giã Trung từng là một trong những mảnh đất nghèo khó. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh của nghề mộc, vài năm trở lại đây, đời sống của không ít hộ dân trong thôn đã được cải thiện.

Được biết, từ cuối những năm 1980 khi một số người dân trong xã thoát ly đi lao động tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã đem theo nghề mộc trở về Giã Trung. Từ đó, nghề mộc xuất hiện đã dần dần trở thành nghề chính của người dân. Ban đầu, nguồn gỗ được sử dụng từ những cây sẵn có trong vườn nhà như: xoan, keo, sấu, mít, nhưng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, người dân nơi đây đã mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nguồn gỗ quý từ các tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài như: Malaysia, Lào… Từ năm 2009, gần như 100% sản phẩm của Làng nghề đều được sản xuất từ gỗ Hương.

Bên cạnh đó, nhiều hộ làm nghề ở Làng nghề đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, qua đó, góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất lao động và độ tinh xảo của sản phẩm. Anh Dương Văn Doanh cho biết: Ngay từ khi mở xưởng (năm 2007), dù còn nhiều khó khăn song tôi đã cố gắng vay mượn thêm để đầu tư máy móc thiết bị, trong đó có máy chạm trổ vi tính để góp phần giải phóng sức lao động. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa và máy móc tại xưởng đạt trên 1,5 tỷ đồng. Không chỉ nâng cao năng suất mà sản phẩm làm ra đều, đẹp hơn hẳn so với làm thủ công như trước đây. Doanh thu của xưởng trung bình đạt 50 triệu đồng/tháng.

Đến thời điểm hiện tại, toàn Làng nghề đã có trên 80 máy đục, xẻ gỗ bằng vi tính cùng gần 350 máy bào, máy cưa đứng. Không chỉ chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, nghề mộc ở Giã Trung còn góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nếu như những năm 1990, toàn thôn có 100 hộ thì hơn 40% là hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo chỉ còn 26 hộ trên tổng số 302 hộ dân (chiếm 8,6%). Từ sản xuất các loại đồ gỗ dân dụng, giá bình dân, đến nay, Làng nghề đã chuyển sang sản xuất đồ gỗ cao cấp và gia công cho các xưởng gỗ ở Đồng Kỵ. Trung bình mỗi xưởng có từ 12-15 lao động, thu nhập bình quân đạt 6-8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 100 tỷ đồng.
Mặc dù nhiều hộ dân ở Giã Trung đã sống được bằng nghề mộc, giàu lên từ nghề mộc song trên thực tế, bà con vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Ông Dương Văn Hiến chia sẻ thêm: Những hộ làm nghề mộc vẫn khó mở rộng sản xuất do thiếu vốn. Hiện nay, trung bình 1m3 gỗ Hương có giá dao động từ 50 triệu  đến 150 triệu đồng. Để nhập gỗ về sản xuất, người dân cần nguồn vốn lớn. Thêm vào đó, do ngày càng có nhiều hộ sản xuất, nên 2 trạm biến áp vẫn không đủ cung cấp điện do bà con, 1 số khu vực ở xóm Giã Trung 1 điện yếu thường xuyên nên cũng ảnh hưởng không nhỏ. Điều đáng nói nữa là sản phẩm của người dân hiện chưa có đầu ra ổn định mà phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, phần lớn là gia công sản phẩm cho các nơi khác nên giá thành chưa cao…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong, cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của chính người dân, Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung đã không ngừng mở rộng quy mô, số lượng lao động, thu nhập của các hộ làm nghề luôn cao hơn mặt bằng chung toàn xã (đạt 45-50 triệu đồng/người/năm). Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Làng nghề, chủ động kết nối với các ngân hàng để người dân được vay vốn dài hạn, nguồn vốn lớn. Dự kiến năm 2018, bằng nguồn vốn xã ATK, xã sẽ đầu tư xây dựng đường bê tông nối từ trung tâm xã tới Làng nghề với tổng chiều dài hơn 500m, rộng 5m.