Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song đồng bào dân tộc Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vẫn kiên trì, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá. Đặc biệt, người dân ở Lân Chiêu luôn một lòng theo Đảng, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước.
Sau gần 20 năm đồng bào dân tộc Mông về sinh sống ổn định tại xóm La Mạ, khu Lân Chiêu hiện có 27 hộ dân. Điều khác biệt khi về Lân Chiêu sinh sống là bà con đã học tập người dân bản địa gieo cấy lúa để có lương thực phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cây lúa nước đã giúp người Mông ở Lân Chiêu không đói ăn vào dịp tháng ba, ngày tám. Bà con chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, làm nương bãi nên cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, trẻ em được đến lớp, người ốm đau được đưa đến Trạm Y tế xã để khám bệnh. Cùng với đó, bà con ở đây tự bỏ dần những hủ tục lạc hậu để cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc hơn…
Chúng tôi tới Lân Chiêu khi lúa vụ mùa trên những thửa ruộng chín vàng, người dân ở đây nô nức xuống đồng thu hoạch để kịp thời gian trồng ngô vụ đông. Anh Ngô Văn Vàng, Trưởng khu Lân Chiêu chia sẻ: Lúc còn ở trên huyện Hà Quảng (Cao Bằng) không có ruộng cấy lúa nên bà con chỉ biết trồng ngô trên núi để làm mèn mén ăn hàng ngày. Đến năm 2000, khoảng 20 hộ dân đã về khu Lân Chiêu, xóm La Mạ để định cư và đến nay đã có 27 nóc nhà. Những ngày đầu, cuộc sống của bà con rất vất vả, bởi đất trồng ngô ít nên phải “tập cấy lúa”, lâu dần thành quen. Giờ đây, trồng lúa đã trở thành “nghề” của bà con. Nhiều gia đình không chỉ đủ thóc ăn mà còn dư thừa đem bán lấy tiền để nuôi con đi học. Phần lớn diện tích ruộng của bà con đều được mua lại của người dân bản địa. Đến giờ, nhiều hộ dân có diện tích đất lúa lên tới hơn 1 mẫu.
Để quen với việc trồng lúa như hiện nay, bà con dân tộc Mông ở Lân Chiêu cũng trải qua những mùa vụ thất thu. Anh Dương Văn Thắng, ở khu Lân Chiêu chia sẻ: Đất lúa ở khu Lân Chiêu chỉ gieo cấy được 1 vụ mùa, khi mà nguồn “nước trời” dồi dào, còn vụ chiêm thì chỉ có thể trồng ngô. Vì không biết, lúc mới về, bà con ở đây gieo cấy cả 2 vụ nên vụ chiêm thì lúa không có hạt do thiếu nước. Bên cạnh đó, bà con cũng thiếu kiến thức về canh tác lúa nên năng suất vụ mùa cũng kém, vụ nào năng suất lắm cũng chỉ đạt khoảng 1,2 tạ/sào. Nhưng đến nay, nhờ được Nhà nước hỗ trợ các giống lúa lai và cán bộ khuyến nông tập huấn các kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc lúa nên năng suất đạt 1,8 tạ/sào.
Bà con dân tộc Mông ở Lân Chiêu ngoài việc gieo cấy lúa còn đẩy mạnh chăn nuôi để phát triển kinh tế nên đã mở ra hy vọng để nhiều gia đình thoát nghèo. Trong khu Lân Chiêu có 27 hộ dân thì tất cả đều chăn nuôi trâu, bò thịt để bán lấy tiền, hộ nuôi nhiều nhất có tới gần chục con trâu, bò, còn hộ chăn ít nhất cũng có 2 con. Chị Ngô Thị Minh, một hộ nuôi nhiều trâu, bò ở khu Lân Chiêu chia sẻ: Hiện tại, gia đình tôi nuôi 4 con trâu và 2 con bò. Trước đó, gia đình đã bán 2 con bò to thu về được gần 80 triệu đồng và dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ bán tiếp 2 con trâu để có vốn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Cũng nhờ việc chăn nuôi nên gia đình tôi mới có điều kiện cho 2 cháu lớn đi học Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên.
Ông Mông Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết: Xung quanh khu Lân Chiêu chỉ toàn núi đá nên diện tích chăn thả không có. Vì vậy, ngay khi bà con ở đây có xu hướng phát triển chăn nuôi trâu, bò lấy thịt. Chính quyền địa phương đã tập huấn kiến thức chăn nuôi và hỗ trợ người dân trồng cỏ. Qua đó, các hộ dân biết tận dụng các bờ bãi soi để trồng cỏ voi lấy nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, bà con ở khu Lân Chiêu trồng gần 2ha cỏ voi, nhờ vậy, ngay cả khi thời tiết vào mùa đông lạnh giá, gia súc cũng không lo bị thiếu thức ăn...
Người dân Lân Chiêu lương thiện, chăm chỉ lao động nên đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, không còn hộ thiếu ăn trong những ngày giáp hạt. Nhưng do diện tích đất canh tác ít (khoảng 4ha lúa, 2ha ngô) nên 100% hộ dân ở đây vẫn thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Để có tiền đóng học cho con và những chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhiều lao động trong xóm đã đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, khó khăn nhất với người dân ở đây chính là tuyến đường vào xóm mới được đổ bê tông một nửa, đoạn còn lại là “đường bờ ruộng” nhỏ hẹp và lầy lội. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ đổ bê tông và mở rộng đoạn đường còn lại, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.